Làng người Tạng Hemja & Những đứa trẻ hạnh phúc

Tôi và An đều đồng lòng ngày hôm sau sẽ quay lại sườn đồi, gặp lại bọn trẻ con, mang theo khăn trải ra nằm đọc sách, ngắm nhìn người ta liều lĩnh nhảy bungee và đón ánh nắng mặt trời rạng rỡ. Những điều toan tính ấy, chúng tôi đã chẳng thể thực hiện được, và chắc cũng sẽ lâu, lâu lắm mới có thể thực hiện được……

 

Những ký ức đẹp vô cùng về Pokhara, Nepal, 2015.

—–


Ngày thứ ba ở Pokhara, cũng là ngày đầu năm mới, tôi và An quyết định đi thăm làng người Tạng Hemja, cách Pokhara 30-45 phút chạy xe ô tô trên những con đường cát bụi. Tiết trời âm u, mưa rơi lất phất lạnh phăng teo và mất đi rồi ánh nắng đầy sức sống của Nepal (chưa kể đến mưa cả ngày đồng nghĩa với việc…..không có nước nóng mà tắm, eo ơi!). Cũng còn rất may, nụ cười của những con người ở đây vẫn còn niềm nở lắm.


Chúng tôi nhờ khách sạn gọi xe riêng chở đến Hemja với giá 2000 Rupee/chuyến. Tài xế thông thường sẽ chờ 1-2hrs vì ở Hemja này, du khách đến chỉ ngồi nghe kinh của các sư người Tạng. Vậy mà chúng tôi đã la cà đến tận 3h rưỡi, khi đồng hồ kính coong điểm đúng 6h, trời tối đen như mực vì chẳng có lấy một ngọn đèn đường, không trăng cũng chẳng có sao. Chúng tôi bị ông tài xế “mắng” quá trời……


Tu viện đọc kinh mỗi ngày bắt đầu từ khoảng 3h-3h15, diễn ra trong vòng 90 phút. Tôi ví von kinh Tạng như dàn hợp ca xứ núi. Nói nôm na hơn, nếu đến Ý nên đi xem Opera, đến New York nên đi xem nhạc kịch Broadway thì đến Nepal nên nghe kinh Tây Tạng. Một buổi kinh Tây Tạng diễn ra cần có tù và, chiêng, chuông lắc leng keng, các sư chính ngồi một hàng, sư với hạng bậc thấp hơn một hàng và một “dàn bè” của chú tiểu nhỏ lóc chóc ngồi hàng cuối. Du khách được thoải mái, tự do vào nghe kinh mà không cần đi lễ hay mua vé gì cả, mà tôi thật tình có muốn đi lễ cũng không nhìn thấy thùng tuỳ hỷ như các chùa khác ở Việt Nam. Áp tường quanh nơi diễn ra buổi đọc kinh là một hàng nệm xanh thẫm dành riêng cho du khách, đơn sơ nhưng lịch sự. Có vài du khách đến trễ, thậm chí là khi buổi đọc kinh đã diễn ra được 3/4 chặng đường rồi, họ vẫn được các sư bố trí chỗ ngồi trang trọng nhất để nghe kinh. Đối với tôi, kinh Tạng tuy nghe không hiểu, nhưng ra hẳn một điệu nhạc (thế nên tôi mới gọi đó là dàn hợp ca). Âm điệu đến giờ vẫn còn lưu lại trong tâm trí. “Dàn hợp ca” cứ đều đều, thi thoảng lại trầm xuống, bổng lên. Tôi, An và một cặp vợ chồng người Scandinavian bên cạnh là bốn người duy nhất tham gia hết buổi kinh từ đầu chí cuối. Đây là cái thú nhất của việc đi du lịch, cứ thư thả, thảnh thơi mà chẳng vội vàng gì. Tôi gọi đó là sự tự do hoàn hảo lúc đi du lịch. Tu viện còn nuôi một chú chó to đùng màu đen nâu, lai sói thì phải. Chó núi nên to gần bằng (hoặc hơn) người nhưng hiền vô cùng. Chú cứ đi loanh quanh liếm láp hầu như là tất cả mọi người nịnh hót rồi….giành giật nệm ngồi luôn với cả khách. 

Nghe đọc kinh xong thì trời cũng rũ xuống một tấm màn ảm đảm. Tôi và An đi lững thững vào làng. Nhà của người dân nơi đây toàn làm bằng đá, thô sơ và căn bản. Trần nhà thấp, cửa sổ cũng thấp, màu chủ đạo là những màu lạnh, thi thoảng điểm xuyết thêm một vài căn có màu sắc sặc sỡ, cờ nguyện cầu đủ màu cũng được treo rải rác. Những con đường rải đá tự nhiên cùng đất và cát, hẻm nhỏ nối hẻm nhỏ, hoang sơ và vắng lặng. Tôi chưa bao giờ thấy một ngôi làng nào như thế. Nghe nói là, tất cả làng người Tạng sống đều là vậy, họ sống ở một kỷ nguyên vẫn còn sử dụng đèn dầu và củi là chính.



Người già Tây Tạng sau buổi kinh cầu, trong một buổi chiều ẩm ướt ở làng Hemja

Đi được một đoạn thì chúng tôi gặp một chú dê núi già, cổ đeo lục lạc, lông dầy thấy rõ rũ cả xuống trông rất ấm áp và hai cô bé người Tạng đang quanh quẩn chơi đùa. Hình ảnh thú vị ấy tôi nghĩ chỉ có thể được tìm thấy ở làng người Tạng Hemja mà thôi. Dự định lúc đầu của chúng tôi là chỉ xin chụp hình chung rồi đi lang thang, loanh quanh một tí. Vậy mà, hai cô bé cữ lẽo đẽo theo sau, bập bẹ hỏi tên chúng tôi bằng câu tiếng Anh duy nhất mà hai em biết rồi sau đó cứ lặp đi lặp lại tên tôi và An mãi không thôi, như thể các em ngừng gọi tên thì chúng tôi sẽ biến mất. Các em không sợ người lạ, cũng chẳng màng rào cản ngôn ngữ, chạy vội vào nhà xin bố mẹ cho phép đi chơi với chúng tôi (mà chúng tôi cũng không biết là đi đâu) rồi còn rủ thêm cả cô chị 11 tuổi xinh đẹp vô cùng. Vậy là, năm chúng tôi, hai cô gái Việt Nam thập phương và ba đứa trẻ con người Tạng cùng nhau sống trọn vẹn những khoảnh khắc đẹp vô cùng ở làng người Tạng Hemja. 

Các em nắm tay và dẫn chúng tôi đi đến “một chỗ” – do không hiểu tiếng nên thật sự chúng tôi cũng không biết các em sẽ dẫn chúng tôi đi đâu. Đi trên đường gặp rất nhiều cụ già Tây Tạng, ai gặp chúng tôi cũng gật đầu, nhoẻn miệng cười rồi chào
 Namaste. Đi ra khỏi làng quanh co, chúng tôi leo lên sườn dốc của một ngọn đồi. Tầm này, người Tạng lên đồi, lên núi đốn củi đã về, sau lưng quẩy gánh những bó củi trong những bộ đồ sặc sỡ. Gương mặt hằn rõ những nét rám nắng, khắc khổ nhưng đầy lương thiện. Chúng tôi đi ngược hướng họ, bỏ lại phía sau ngôi làng mờ ảo trong khói lam chiều và cái tiết trời xám xịt đáng ghét. Hoá ra, “một chỗ” mà các cô bé muốn dẫn chúng tôi đến là chỗ người ta nhảy bungee. Ngôi nhà nhảy bungee được xây chính giữa thung lũng, trơ trọi và gan góc. Du khách mạo hiểm chơi trò này sẽ leo lên tầng cao nhất rồi lao mình xuống thung lũng. Chúng tôi cùng một vài người dân nữa, ngồi trên đồi và chờ đợi các du khách mạo hiểm lần lượt nhảy xuống. Tất cả chúng tôi đã rất tích cực cổ vũ các du khách bằng cách la hét “Cố lên cố lên, yeahhhhh!!!!!” và vỗ tay thật to để tuyên dương sự liều mình của họ. Tôi nghĩ, tôi đã la hét, vỗ tay và cười rất sảng khoái như thế, không phải vì những du khách đó, mà là vì chính tôi. Tiếng gọi, tiếng cười của tôi vang vọng khắp sườn đồi, phản ánh lại rất rõ âm thanh của Tự Do. Trên sườn đồi đó, chúng tôi không cần phải giữ kẻ, cũng không cần phải tiết chế, và cũng chẳng nhận được ánh nhìn soi mói từ bất cứ ai.


Ngắm người ta chơi Bungee phía bên kia thung lũng rồi hò hét theo khi có một ai đó nhảy xuống.


Hai cô bé nhỏ nhất leo trèo không thua gì lão Tôn. Tôi và An thật sự đã thót tim mấy lần và phải giơ tay ra chụp vội chúng lại. Nhưng tôi biết, vì tôi là người lớn rồi nên thấy sự nguy hại ẩn mình khắp nơi. Nếu quan sát chúng thật kỹ, tôi thấy rõ bản năng của chúng mách cho chúng biết rõ đâu là điểm dừng. Chúng có thể leo trèo để lấm lem bùn đất đấy thôi, nhưng chân chúng luôn dừng lại ở mức vạch cho phép. Dĩ nhiên, theo một cách rất bản năng. Khi chinh phục được đỉnh đồi nhanh hơn chúng tôi, chúng khoái trá cười vang rồi lại chạy ngược lại nắm lấy tay tôi và An. Chúng không bỏ mặc “đồng bọn” của mình đâu. Đâu rồi những bản ngã tươi đẹp thế này của nhân loại? 

Ngồi chán chê một lúc lâu, ngắm nhìn rừng núi trùng trùng điệp điệp, chúng tôi đành phải ra về do trời đã chập choạng tối. Trên đường về, tôi thấy dọc dọc những mái nhà ngói đá phủ tranh và bếp củi hồng nghi ngút khói. Tất cả những thứ ấy trần trụi phơi bày ra trước mắt tôi, như thể tôi đang xuyên không trở về một nơi xa lắm. Tôi không dám gọi nơi đây là nghèo nàn, vì nụ cười, sự ấm áp, vô tư của loài người từ thuở xa xưa cũng tương phản với sự thiếu thốn vật chất của họ. Tôi cũng không rõ chính tôi hay họ, ai “nghèo nàn” hơn ai.



Làng Tashi bỏ lại phía sau trong một chiều sương giăng và mưa phùn lất phất

Ra đến bãi xe thì trời đã sụp tối một cách đột ngột nhất, chúng tôi chỉ có thể nhìn tỏ qua đèn xe ô tô của ông tài xế. Ông càm ràm và vô cùng khiếm nhã với cả tôi và An (dĩ nhiên là sau đó tôi đã phàn nàn một trận ra trò với khách sạn). Ba đứa trẻ đó cũng bị bố mẹ xách tay lôi về nhà do mải chơi, bọn tôi đã vào xe và xe đã lăn bánh, vẫn thấy bọn chúng dõi theo cho đến khi chúng tôi khuất hẳn vào màn đêm.


Tôi và An đều đồng lòng ngày hôm sau sẽ quay lại sườn đồi, gặp lại bọn trẻ con, mang theo khăn trải ra nằm đọc sách, ngắm nhìn người ta liều lĩnh nhảy bungee và đón ánh nắng mặt trời rạng rỡ. Những điều toan tính ấy, chúng tôi đã chẳng thể thực hiện được, và chắc cũng sẽ lâu, lâu lắm mới có thể thực hiện được……

—–


.::Nat & her journeys::.

Hemja Tibetan Villaga, Pokhara, Nepal, Jan ’15.

(Nội dung bài viết được chia sẻ bởi Nat Nguyen. Vui lòng ghi rõ nguồn gốc By Nat Nguyen hoặc www.vivavivu.com khi chia sẻ bài viết)



Một trong những đứa trẻ hạnh phúc ở làng người Tạng Hemja