Ở NEW YORK CÓ BÓNG MA NHÀ HÁT

Nếu được một lần đặt chân đến New York, hãy tự thưởng cho chính mình đã vượt một chặng đường xa bằng Phantom of the Opera, bạn nhé. Cảm ơn New York, vô vàn!

Viết tặng cho tuổi trẻ của tôi; viết tặng Mẹ đã cho tôi một sức trẻ và một bầu kiến thức quý báu; viết tặng Anh đã thắp cho tôi ngọn lửa đam mê cháy bỏng nhất; đặc biệt viết tặng bạn Trí Chu đã cùng tôi đi xem Phantom of the Opera (*) trong cái tiết trời -7 độ của New York. 

 


Tựa đề của bài viết này, mang đúng nghĩa đen về New York – những nốt nhạc ở đây làm say đắm lòng người quá. Tôi đang viết về New York trong khi nghe Lindsey Stirling phối lại ba bài nhạc nổi tiếng nhất trong vở nhạc kịch Phantom of the Opera vào một bài tấu độc đáo. Tuyết Anh gửi cho tôi một tấm bưu thiếp từ New York, ảnh chụp sáu đứa tôi đứng trước Central Park cùng nhau – kỷ niệm một thời tuổi trẻ – cùng với hai tấm post card trắng bạn cầm nhầm và một cái note xin lỗi hóm hỉnh, làm tôi nhớ da diết New York, nhất là trong cái thời tiết nắng muốn cháy da cháy thịt của Sài-gòn.


Lúc tôi vừa đến New York, còn đang chờ xe để xuống trung tâm, đã thấy nhan nhản tấm áp phích, sổ du lịch đủ kiểu quảng cáo về Phantom of the Opera thế này:

“What lightens up the cold nights of New York?” (Điều gì thắp sáng những đêm đông giá lạnh của New York?)

“Phantom of the Opera” 

Tôi chưa thấy một mẩu quảng cáo nào đúng với thực tế như mẩu quảng cáo này, chí ít là đối với tôi. Đêm cuối cùng của tôi ở New York thật đắt giá và khó quên.


Chúng tôi may mắn bội phần lắm, mới mua được hai tấm vé tốt chỗ cuối cùng của Majestic Theater, Broadway để xem kịp suất chiếu duy nhất vào đêm cuôi cùng tôi ở New York. Đến xem Phantom of the Opera đã là một phần trong lịch trình của tôi, một việc chắc chắn tôi phải làm khi đặt chân đến New York – tôi ghi chú trong đầu như thế đấy, quyết tâm cho bằng chị bằng em mà. Kiểu rất du lịch như là “đã đến New York thì phải xem nhạc kịch Broadway. Đã đến Broadway thì phải xem Phantom of the Opera”.

Cuối cùng, đây là một cái “phải” mà tôi nghĩ nó thật đúng. Tôi nhớ, hồi đó tôi đi xem Opera ở Ý, hay lắm, chỉ có mỗi trở ngại là họ hát bằng…tiếng Ý. Đến New York, nhóm bạn hội ngộ ở New York của tôi ai cũng từ chối đi xem cùng tôi, vì vô vàn lý do khác nhau, nào là giá vé đắt quá, nào là đã đi xem hai lần rồi, nào là không hứng thú. Rồi tôi lắc mạnh cái đầu và nói với mình rằng “Không, phải đi xem, vì mình. Mình đến New York vì mình“. Vậy là tôi đặt lên bàn 120USD và dõng dạc nói với bạn Trí rằng “Ông mua vé giùm tui nghen, còn đi chung hay không thì tuỳ, nhưng tui không muốn quay lại NYC vì hối hận”, chỉ vì cái mẩu quảng cáo nghe thôi đã ấm áp tôi kể ở trên. Ở cái thành phố -7 độ như thế, đơn thuần là tôi cần được sưởi ấm lắm.

Cuối cùng, tôi thấy từng xu tôi bỏ ra đáng giá làm sao. Chí it, Majestic Theater có máy sưởi quá xá ấm so với cái tiết trời đóng băng ở ngoài kia. Tôi thấy cảm ơn Mẹ vì nhiều điều, nhất là luyện rèn cho tôi khả năng ngoại ngữ để hấp thụ được vở diễn. Tôi thấy mang ơn cuộc đời vì nhiều thứ, nhất là cho tôi có cơ hội được một lần đến New York, được một lần mãn mọi giác quan với Phantom of the Opera.


Tôi mua cho mình sợi dây chuyền ở đây mất 25USD – đó là món quà tôi tặng cho chính tôi, tuy không đắt nhất nhưng là món quà tôi yêu thích nhất từ xứ cờ hoa. Hầu như ngày nào tôi cũng đeo (bạn Trí Chu mua một cái khuy cài áo làm kỷ niệm mất chỉ có 5USD thôi). Tôi hứa với mình một ngày nào đó, tôi sẽ xem lại vở diễn này ở London, trong cái nhà hát đầy lịch sử đã công chiếu vở diễn bất hủ này lần đầu tiên.


Buổi diễn kết thúc rồi đó, tôi và Trí cùng chen chúc đi qua dòng người đông kịt thả bộ xuống Times Square gặp các bạn, rồi tiếp tục những câu chuyện bạn bạn bè bè chục năm rồi không gặp, đến lúc trao nhau mấy cái ôm thân tình để rời xa nhau, rời xa New York…


Nếu được một lần đặt chân đến New York, hãy tự thưởng cho chính mình đã vượt một chặng đường xa bằng Phantom of the Opera, bạn nhé!

Cảm ơn New York, vô vàn!


.::Nat & her journeys::.

New York, USA, March ’15.

(*): vở nhạc kịch nổi tiếng Phantom of Opera (Bóng Ma Nhà Hát) là vở kịch kinh điển được chiếu lại nhiều lần nhất trong lịch sử nhạc kịch. Các bạn có thể tìm kiếm trên Youtube bản phối của Lindsey Stirling “gom nhặt” 3 bài nổi tiếng nhất của vở diễn trong một bài tấu. Tôi tin, giai điệu lúc lên, lúc xuống, lúc kịch tính, lúc trữ tình của chị ấy sẽ thôi thúc bạn đến New York để xem vở diễn ấy ít nhất một lần trong đời.

(Nội dung bài viết được chia sẻ bởi Nat Nguyen. Vui lòng ghi rõ nguồn gốc By Nat Nguyen hoặc www.vivavivu.com khi chia sẻ bài viết)

Tôi mua tặng tôi một món quà nhỏ từ Bờ Đông buốt giá tháng 2 năm ấy

Hôm nay, chỉ vì những tấm bưu thiếp bạn bẹn bè bè từ Massachusetts này mà tôi nhớ New York da diết, nhất là trong cái nắng trọc đầu của Sài Gòn

New York đã là một bản giao hưởng tuyệt vời rồi