Sofitel Metropole Legend

Một ngày không mây của mùa Giáng Sinh năm 1972, nữ nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội huyền thoại Joan Baez đã hát lên những lời nguyện cầu đến Chúa ai oán "Where are you now, my son?"(**) khi máy bay Mỹ công phá Hà Nội với ba mươi tấn bom không ngừng suốt mười hai ngày. Hầm chứa bom của The Metropole Legend đã cứu mạng bà trong chuyến viếng thăm đại diện cho đoàn đại biểu hòa bình Hoa Kỳ.

..là cái khách sạn "xịn" nhất Hà Nội. Còn đối với tôi nó là cái khách sạn "xịn" nhất Việt Nam, giá trị nhất Việt Nam và là khách sạn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử nhất Việt Nam.

Ai có hay xem film hay đọc truyện Tàu xưa chắc hẳn hay nghe nhắc nhiều đến "tứ đại mỹ nhân" là Điêu Thuyền, Chiêu Quân, Dương Quý Phi và Tây Thi. Trong ngành khách sạn này của tôi cũng có "tứ đại mỹ nhân" đấy, hay còn được gọi là "The Four Oriental Old Ladies" (*). Tôi là một người đã làm khách sạn nhiều năm, nhưng kiến thức quý báu này thì chỉ mới học được trong đêm duy nhất tôi lưu trú tại Sofitel Metropole Legend (tôi xin được phép gọi Sofitel Metropole Legend là "nàng" vì tôi sẽ phải nhắc đến tên gọi của cô tiểu thư xinh đẹp này khá nhiều trong bài viết). Ở châu Á ta, giờ chắc khách sạn đã mọc lên như nấm, nhưng đẳng cấp thì phương Đông chỉ có bốn "mỹ nhân" là Raffles ở Singapore, Peninsula ở Hong Kong, Mandarin Oriental ở Bangkok và Sofitel Metropole Legend ở Hà Nội. Diễn tả dông dài để cho các bạn có thể hình dung được tư chất cao quý của cô tiểu thư thủ đô "nhà mình".

Tôi hy vọng mình đã có đoạn mở đầu giới thiệu ấn tượng về nàng vì tôi không nghĩ đơn thuần đây chỉ là một khách sạn năm sao có tiếng. Nàng là một người con gái Hà thành vẹn nguyên và hay e lệ, phong thái thượng lưu của nàng được toát lên qua những ô cửa sổ trắng đậm chất Pháp và những gì mà nàng đã trải qua thời chinh chiến khiến ai đến đây cũng phải nghiêng mình kính cẩn. Thế đấy nên giá phòng cho một đêm ở đây không hề rẻ chút nào. Nhưng ngoài việc cung cấp chỗ ở cho bất cứ vị khách phương xa nào, nàng còn là một địa điểm lịch sử mà bất cứ ai dừng chân ở Hà Nội cũng nên gói ghém ghé qua. 

Tôi chinh phục thành công đỉnh Fansipan trong thời tiết bão bùng và sạt lở vào đâu đó những ngày chớm thu tháng Chín. Vì vậy mà trở về Hà Nội, tôi tưởng thưởng cho mình bằng một đêm trải nghiệm tuyệt vời ở đây.




Những nét kiều diễm và cổ kính đến e ấp của một nàng tiều thư Hà thành

-----

Được xây dựng từ đầu thế kỷ XX (năm 1901 - hiện tại), khách sạn cổ kính này đến thời điểm tôi viết bài về nàng thì nàng đã được 115 tuổi. Nhưng trông nàng chẳng hề già nua dù đã chứng kiến bao nhiêu đạn bom và khói lửa, vậy đó nên nàng mới là một "Legend". Bao nhiêu năm đã qua, nàng nhã nhặn tiếp đón không xuể các chính khách, nghệ sĩ tài hoa mà từng cái tên một nàng đều lưu lại trên "hành lang lịch sử" (path of history) một cách tự hào và chiếm hẳn một lối đi của tiền sảnh. Những con người lỗi lạc mà nàng đã tiếp đón ai trong chúng ta cũng đã nghe qua ít nhất một lần trong đời, trong đó có thể kể đến cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton hay George H. W. Bush, cố tổng thống Pháp François Mitterrand, nhà văn Pháp Marc Levy, Charlie Chaplin, Jane Fonda, hoa hậu thế giới Trương Tử Lâm, nữ diễn viên giành giải Oscar trẻ tuổi Brie Larson, hay là cặp đôi vàng một thời của Hollywood Brangelina, ... Nói một cách khác, nàng là khách sạn đã đón chào nhiều nhân vật quan trọng và nổi tiếng nhất Việt Nam, và là một trong những khách sạn có vinh dự như thế trên toàn thế giới. Tôi tin, danh sách này của nàng vẫn sẽ còn tiếp nối từ thế hệ, sang thế hệ.

"Hành lang lịch sử" không chỉ lưu lại những cái tên lừng lẫy mà còn lưu lại một bức tranh lịch sử của khách sạn nói riêng và từng mảng vàng quá khứ của Việt Nam nói chung. Ở đây còn lưu lại những lời Jane Fonda đã phát biểu về chiến tranh Việt Nam, những ấn phẩm của Times hay Rolling Stone về những hầm tránh bom yếu ớt đặt trước khách sạn hay thậm chí là chiếc đĩa than trong debut album của Joan Baez. 

Hồi lâu rồi, có tờ báo mạng chính thống của Việt Nam đưa tin về hầm tránh bom cổ nhất trong cái khách sạn cổ nhất ở Hà Nội - đó là hầm tránh bom của Sofitel Legend Metropole. Nơi đây là một vết sẹo nhớ để thứ tha. Ai đã vô tình đọc qua bài viết sơ sài đó, chắc sẽ chẳng thể nào cảm nhận được trọn vẹn lịch sử vàng. Hãy đi một chuyến thực tế và bạn sẽ thấy được rằng lịch sử có được ghi chép thế nào cũng không sánh bằng một chuyến đi thực tế. Tour tham quan lịch sử của khách sạn chỉ dành riêng cho khách lưu trú, mỗi ngày chỉ nhận tối đa mười người. May thay, ngày tôi ở duy nhất ngẫu nhiên còn lại hai chỗ trống, lại kết thúc tour đúng hai giờ trước giờ tôi khởi hành về lại Sài Gòn. Nếu không tham gia tour này, chắc tôi chẳng thể tự hào nói rằng tôi đã trải nghiệm một huyền thoại.


Giờ thì tôi đã có thể tự hào tuyên bố rằng tôi đã được trải nghiệm một "huyền thoại"

-----

Một ngày không mây của mùa Giáng Sinh  năm 1972, nữ nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội huyền thoại Joan Baez đã hát lên những lời nguyện cầu đến Chúa ai oán "Where are you now, my son?"(**) khi máy bay Mỹ công phá Hà Nội với ba mươi tấn bom không ngừng suốt mười hai ngày. Hầm chứa bom của The Metropole Legend đã cứu mạng bà trong chuyến viếng thăm đại diện cho đoàn đại biểu hòa bình Hoa Kỳ.

Những năm sau đó, khi nào trở lại Hà Nội, bà chỉ ở tại nơi đây với một lòng biết ơn sâu sắc. Hầm tránh bom lịch sử này có một bản ghi âm "Where are you now, my son?" mà Joan Baez đã phối lại gần với thực tế mười hai ngày nhất trốn tránh đạn bom, với âm thanh đằng sau là tiếng oanh tạc không ngừng, tiếng khóc xé lòng của những bà mẹ mất con dành tặng riêng cho khách sạn. Khi tôi ở dưới hầm tránh bom và lắng nghe lại những âm thanh đớn đau của quá khứ, cùng với tiếng hát tang tóc của Joan Baez xuyên qua từng lớp cement thời gian, tôi thực sự thấy mình là một kẻ may mắn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình may mắn đến như vậy; và khi tôi viết lại những dòng này trong nhật ký hành trình của mình, tôi vẫn nhớ hoài cảm giác xúc động khi tôi đã ở dưới hầm. 

Trước lối đi vào hầm là dòng chữ

"ĐỂ NHỚ (REMEMBER)

KHOAN DUNG (FORGIVE)

MÃI MÃI (FOREVER)"

Kết thúc tour với một chút trầm mặc, chú hướng dẫn - một con người Hà Nội chính gốc đã sống qua một thời tàn khốc, có chất giọng ấm áp chuẩn đến từng con chữ , tóc đã điểm bạc nhưng gương mặt toát lên một sự vị tha bao la - đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện rất vui rằng Steve Jobs đã từng cầu hôn Joan Baez. Chính Jobs là người đã tiết lộ về điều này trước khi ông mất trong cuốn hồi ký. Hiển nhiên thôi, ai có thể không yêu thương và kính trọng một người phụ nữ vĩ đại như Joan Baez. 

Ở sảnh khách sạn, bức ảnh "Không tên" (Unnamed) do chính tay Joan Baez vẽ, lấy cảm hứng từ một chú tiểu bà vô tình gặp trên đường, với ánh mắt đượm buồn đến ám ảnh sau chiến tranh, có lẽ là bức tranh đẹp nhất mà tôi đã từng được chiêm ngưỡng. Và nó chỉ đẹp nhất khi được treo ở sảnh của The Metropole Legend mà thôi.


Nhớ để thứ tha


The Unnamed by Joan Baez

-----

Đối với tôi, từng đấy lịch sử cũng đã đáng giá nhiều hơn cả một đêm tiền phòng...

-----

Khách sạn được trùng tu vào năm 2011 với một nhánh được mở thêm, hiện đại hơn nhiều. Dĩ nhiên, tôi chọn ở cánh cổ kính, nhìn thẳng xuống phố Ngô Quyền và Ủy Ban. Tôi đã từng nhắn tin cho người đã dìu dắt tôi những bước đầu trong ngành khách sạn, hiện đang làm Giám Đốc Nhân Sự cho tập đoàn khách sạn Accor (Sofitel Metropole Legend thuộc chuỗi Accor) rằng "Michael, Accor đã làm gì nơi đây để có thể biến nàng thành một huyền thoại đúng nghĩa thế này? Tôi đã có một sự kết nối lớn kinh khủng khi vừa đặt chân vào căn phòng, vào tiền sản và tôi tin rằng nàng là một cá thể cực kỳ đặc biệt và duy nhất mà tôi chắc chắn không thể tìm thấy ở bất cứ khách sạn nào khác".

Nhà hàng LeClub ở đây là một trong những nhà hàng ngon nhất tôi đã từng ăn qua. Trưa hôm ấy, tôi cứ tưởng mình đang ở Paris.




Căn phòng cổ điển (Classic) có rèm trắng, bao lơn kiểu Pháp nhìn xuống Ủy ban và trung tâm Hà Nội đầy cây


-----

.::Nat & her journeys::.

Sofitel Metropole Legend, Hà Nội, Vietnam, Sep '16.

(*): tôi sẽ dịch là "bốn người phụ nữ gừng-càng-già-càng-cay của Phương Đông"

(**): những tư liệu lịch sử xác thực về Joan Baez in Hanoi có thể được tham khảo thêm tại http://www.rollingstone.com/politics/news/joan-baez-in-hanoi-12-days-under-the-bombs-19730201. Sofitel mà tôi đang viết đến được người Hà Nội biết đến nhiều hơn với tên gọi The Metropole, để tránh nhầm lẫn với Sofitel Tràng Tiền Plaza.

(Nội dung bài viết được chia sẻ bởi Nat Nguyen. Vui lòng ghi rõ nguồn gốc By Nat Nguyen hoặc www.vivavivu.com khi chia sẻ bài viết)