Tấm bưu thiếp từ Cầu Tình

Mà, ở đây, tôi cũng đã gửi về cho mình một tấm bưu thiếp trắng đen, dặn chính mình rằng vẻ đẹp thực thụ của Cầu Tình chỉ có thể nhớ, cảm nhận, để trong tim hoặc cố gắng mà viết lại đôi lời. Chưa hết, tôi còn gửi chín tấm bưu thiếp khác nhau đến bạn bè tôi ở khắp nơi trên thế giới, nói với họ rằng Cầu Tình đẹp lắm, một lần trong đời hãy cố gắng sắp xếp đến đây để ngắm hoàng hôn


Những hình ảnh thường thấy ở châu Âu

Cộng đồng người Việt Nam ở Tiệp gọi cầu Charles (Charles Bridge) là Cầu Tình, vì vốn dĩ, một trong những cây cầu cũ kỹ, cổ kính nhất châu Âu này hữu tình lắm. Khi Cầu Tình khoác lên chiếc váy dạ tiệc đêm, nàng lung linh và vàng rực quý phái dưới ánh đèn, mời gọi bao nhiêu đôi nhân tình khoác tay nhau đi dạo dưới trăng sao.

Cầu Tình được đặt tên theo vua Charles IV - vị vua tài giỏi bậc nhất của Tiệp thời La Mã (Roman Emperor). Bước đi trên Cầu Tình khi ngày sắp tắt, tôi như ngồi trên chiếc máy thời gian của Doraemon trở ngược về thời trung cổ, tưởng tượng mình khoác lên những bộ Âu phục xùm xuề, cầu kỳ đương thời, đi dạo và sinh hoạt đời sống nơi đây (lúc đến Cầu Tình, tôi còn ngẫu nhiên uốn tóc xoăn tít thò lò rất thịnh hành ở thế kỷ XIV nữa chứ). Cầu Tình không chỉ nối giữa phố cổ và lâu đài Prague, là con đường giao thương quan trọng bậc nhất giữa Đông và Tây Âu mà còn đã chứng kiến bao nhiêu sự kiện lịch sử diễn ra xuyên suốt, và cũng không ít lần gánh chịu bao nhiêu bận lôi đình của dòng sông Vltava. Ở thế giới hiện đại rồi, đê đập được xây chắn tốt, thuyền bè du lịch, thương mại và địa phương qua lại tấp nập trên sông, hoàng hôn hôm đấy phủ trùm tất cả, biến khung cảnh ở Cầu Tình nghệ thuật chẳng khác nào một tấm bưu thiếp.


Hoàng hôn ở Prague, tôi chụp được từ trên Cầu Tình


Những hoạt động sôi nổi bên dưới châu Cầu Tình

Mà, ở đây, tôi cũng đã gửi về cho mình một tấm bưu thiếp trắng đen, dặn chính mình rằng vẻ đẹp thực thụ của Cầu Tình chỉ có thể nhớ, cảm nhận, để trong tim hoặc cố gắng mà viết lại đôi lời. Chưa hết, tôi còn gửi chín tấm bưu thiếp khác nhau đến bạn bè tôi ở khắp nơi trên thế giới, nói với họ rằng Cầu Tình đẹp lắm, một lần trong đời hãy cố gắng sắp xếp đến đây để ngắm hoàng hôn. Nếu ai đã từng đọc qua tiểu thuyết bán chạy nhất World Without End của Ken Follett về những chiếc cầu của Merthin ở Kingsbridge, thì có thể tưởng tượng ra Cầu Tình như thế đấy. Cầu Tình rắn chắn, vững chãi và là niềm tự hào của cả thành phố. Chính vua Charles IV đã đặt viên gạch đầu tiên vào lúc 05:31AM ngày 09/07/1357, truyền thuyền đã nói rằng, con số khởi công này cực kỳ quan trọng, có thể quyết định vận mệnh của cả đế chế.


Hình ảnh của Vua Charles IV vĩ đại. Những bài học lịch sử về vị vua này đối với tôi mà nói, đã đáng giá cả chuyến đi rồi

Cầu Tình bây giờ đông đúc lắm, đi đâu cũng thấy người thôi là người. May mà cầu chỉ dành cho người đi bộ. Để chụp được một tấm hình nên thơ ở Cầu Tình cũng khó khăn. Trên cầu, nghệ sĩ đường phố rải rác khắp nơi, cứ cách vài bước chân là có người mời mọc vẽ chân dung lấy liền, vài hàng bán trang sức hoặc đồ lưu niệm làm tay và nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc. Ở Prague, âm nhạc của Mozart và Vivaldi "sống lại" ở từng ngóc ngách.

Tôi đến Tiệp vì một phần có người quen ở tại Prague, còn lại là vì có một người bạn hồi lâu rồi đã từng nói với tôi rằng "Em à, hãy đến Cầu Tình". Tôi đã háo hức về Cầu Tình lắm. Khoảnh khắc bước lên những bậc tam cấp đầu tiên để chiêm ngưỡng Cầu Tình, tôi chỉ muốn mượn gió mượn mây gửi lời nhắn đến bạn tôi rằng "Anh à, em đã đến Cầu Tình" - để bạn tôi hiểu được rằng, những cô gái mạnh mẽ, chỉ cần muốn đủ và biết ấp ủ những ước mơ, việc gì cũng sẽ làm được. Những kiến trúc baroque, tượng đài và truyền thuyết về thánh John of Nepomuk, toà tháp Gothic hướng về phố cổ, những viên đá đầu tiên xây lót hình thành nên Cầu Tình như vẫn còn vẹn nguyên, chưa bao giờ méo mó và đổi thay bất chấp dòng xoáy của sông Vltava hay dòng xoáy thời gian (*). Hoàng hôn ở Cầu Tình đã trình diễn một màn chào ngày tàn đúng như những gì tôi tưởng tượng - đẹp đến nao lòng.

Chị Anja đã dặn bọn tôi rằng, Cầu Tình ban sáng và ban đêm mang hai vẻ đẹp khác nhau, đến và đi ở Séc, nhất định phải xem được cả hai thái cực này của Cầu Tình. Hình ảnh cuối cùng mà tôi ghi lại về Prague chính là hình ảnh Cầu Tình về đêm.

-----

.::Nat & her journeys::.

Charles Bridge, Prague, Czech Republic, Oct '15.

(*): những công trình nguyên gốc tại Cầu Tình chỉ được giữ đến 1700, sau đó tất cả chỉ còn là mô phỏng (replicas).

(Nội dung bài viết được chia sẻ bởi Nat Nguyen. Vui lòng ghi rõ nguồn gốc By Nat Nguyen hoặc www.vivavivu.com khi chia sẻ bài viết)


Tấm bưu thiếp tôi gửi cho chính mình từ Cầu Tình