CẨM NANG DU LỊCH MALDIVES

Nếu bạn biết tính toán, đi Maldives hoàn toàn không đắt. Những bạn trẻ có mức thu nhập kha khá và đã dành dụm cho một chuyến đi trong suốt một năm dài làm việc vất vả hoàn toàn có thể chạm ngõ thiên đường như tôi.

Đây là bài viết về kinh nghiệm du lịch Maldives, không phải nhật ký hành trình lãng mạn. Tôi hy vọng bài viết sẽ làm cho các bạn có cái nhìn thoáng hơn về những địa điểm tạm-gọi-là du lịch xa xỉ. Thông qua cẩm nang này, tôi cũng hy vọng các bạn của tôi được truyền cảm hứng để khám phá thế giới nhiều hơn. Tôi cũng hy vọng một ngày nào đó nếu các bạn có cơ hội du lịch Maldives, cẩm nang nhỏ này của tôi góp một phần trong chuyến đi của các bạn. 

Tôi viết bài này để cảm ơn người-bạn-đồng-hành-tuyệt-vời của tôi. Hy vọng món quà sinh nhật vô hình mà tôi nhận được từ anh có thể chia sẻ kinh nghiệm đến những người trẻ có ước mơ khám phá (nói trần tục hơn là ham chơi như tôi ^^).

———

Cơ duyên để đến với Maldives.....

Thời gian ở trường đại học, trong tiết học về Human Resource, thầy Eric Ong của tôi có đưa ra một trò chơi nho nhỏ – mọi người viết tên một thành phố/đất nước mà mình đoán những người còn lại chưa-nghe-đến-bao-giờ rồi bỏ vào mảnh giấy nhỏ, nếu đối phương rút trúng tờ giấy ấy mà đoán không được thì dĩ nhiên bạn sẽ là người thắng cuộc (tôi cũng không nhớ nổi cái trò chơi này liên quan thế nào đến môn Nhân Sự). Tôi chỉ nhớ, cuối trò chơi, Eric là người thắng cuộc vì thầy đưa ra cái tên Maldives – và bảo với chúng tôi rằng, đó là thiên đường hạ giới còn sót lại; những gì tinh tuý và thực tiễn nhất về ngành khách sạn mà tôi học được diễn ra tại quần đảo kỳ lạ nằm lênh đênh, trơ trọi giữa lòng Ấn Độ Dương, ngự giữa Sri Lanka với Ấn Độ. Lần đần tiên tôi được mong manh “chạm ngõ thiên đường”.

Năm năm trước, tôi lên kế hoạch đi Maldives, tôi dành hơn cả ba ngày ròng chỉ để nghiên cứu Maldives. Lúc ấy, do chưa có nhiều kiến thức về hàng không và du lịch, cũng như khả năng “đánh bạn hết mình với anh google” mà tôi tính chi phí đội lên hơn 5000USD cho 2 người tại resort bốn sao, chưa bao gồm ăn, uống, sinh hoạt trong thời gian ở đấy nên tôi quyết định dùng số tiền tương tự tiêu hết vào 2 tuần ở Cyprus. Ừ thì cũng là đảo cả thôi mà. Lần thứ hai có chút liên quan đến thiên đường.

Ba năm trước tôi công tác tại Six Senses Côn Đảo (SSCD), biết được SSCD có quyền lợi cho nhân viên đầy-cám-dỗ dành cho nhân viên nào làm việc với SSCD hơn một năm – chỉ 175USD/night/room tại bất cứ SS nào trên thế giới, dĩ nhiên là kể cả Maldives. Đáng tiếc là tôi đã không có cơ hội hưởng thụ cái quyền lợi đó vì tôi ngừng công tác tại SS trước một năm. Trong một buổi training, tôi biết được cái tạm-gọi-là slogan cho tất cả các resort ở Maldives “No news. No shoes“ (tạm dịch là, "Không tin tức, không mang giày" khi đến thiên đường). Đến thiên đường thì phải tách biệt mình khỏi thế giới bên ngoài. Đến thiên đường thì phải chân trần để cảm thụ từng hạt cát mịn màng và dòng nước biển Ấn Độ Dương mát lạnh. Lần thứ ba tôi lại được nghe về Maldives.

Quá tam ba bận, cuối cùng tôi cũng hoàn toàn đặt chân đến thiên đường và ở đó bốn ngày thần tiên. Tôi đón tuổi 26 ở thiên đường.

Quá tam ba bận, cuối cùng tôi cũng đã đến thiên đường

———

Nếu bạn biết tính toán, đi Maldives hoàn toàn không đắt. Những bạn trẻ có mức thu nhập kha khá và đã dành dụm cho một chuyến đi trong suốt một năm dài làm việc vất vả hoàn toàn có thể chạm ngõ thiên đường như tôi.

Tôi “săn” giá rẻ đến Maldives với Tiger Airways (TR) chỉ với mức giá 7,500,000VND/người/khứ hồi (dĩ nhiên là tôi làm trong hàng không nên không bị mất phí dịch vụ 20USD/người và chênh lệch ngoại tệ khi thanh toán với TR). Thật ra, do người-bạn-đồng-hành-tuyệt-vời của tôi đã không thể confirm lịch chính xác hơn nên tôi phải trả tận 9,500,000VND/người/khứ hồi cơ (hạn chế của hàng không giá rẻ là không hòan, hủy (non-refundable), đổi ngày thì đắt thôi rồi nên mới có cơ sự chúng tôi bị mất 200USD chênh lệch mà đến giờ tôi vẫn “cay cú” lắm, arghhhhh).

Tôi đặt chuỗi khách sạn danh tiếng Constance và loại phòng suite đặc biệt nên giá cả gần như là đắt gấp rưỡi so với các loại phòng thấp hơn, đắt gấp đôi so với các resort 3*,4* khác và đắt gấp năm lần so với các motel/guest house. Tuy nhiên, đối với các resort cao cấp thì các bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn xứng đáng từng xu vì 2 điều sau:

– Ngoài phòng ốc được thiết kế rất đẹp, đúng kiểu thiên đường (villa giữa biển đặc trưng của Maldives) thì bạn sẽ hoàn toàn không phải chi trả một đồng nào cho thức ăn và thức uống vào bất cứ thời gian nào trong ngày (kể cả alcohol các loại, trừ các loại rượu cao cấp quá như các bạn sáng dậy đòi súc miệng bằng Moet thì quá đáng quá rồi). Constance bố trí cho chúng tôi các bữa ăn buffett với theme và thực đơn thay đổi mỗi đêm nên khá phong phú và một đêm a la carte tại một nhà hàng khác cho đỡ nhàm chán. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được tặng 50% spa và một excursion tour bất kỳ (tôi đã chọn đi xem cá heo). Tour này thông thường có giá dao động từ hơn 100USD/người trở lên tuỳ theo mức độ cao cấp của resort bạn ở. Không phải resort nào cũng có các package này nên bạn phải đảm bảo package của mình là “all inclusive” khi đặt phòng, và Agoda thường đưa ra những gói “4 ngày 3 đêm” hoặc “Early bird offer” với giá rất tốt. Nếu bạn không đặt trọn gói thì chi phí ăn, uống có thể vượt ngoài tầm kiểm soát vì khá đắt đấy.

– Địa lý của từng resort sẽ có những dải san hô đẹp đẽ khác nhau, các “ông hoàng resort” luôn nhanh tay chọn những địa điểm đẹp nhất để khách của mình tha hồ mà bơi lội cùng các bạn cá đủ loại tung tăng kề bên giữa lòng đại dương xanh ngắt. Vài khu vực đẹp nhất quần đảo là Baa Atoll, North Atoll và South Atoll (Constance có resort ở cả North và South Atoll), còn khu vực Baa Atoll thì khi nào chân tôi dài ra được vài mét nữa, người yêu tôi lái Lamborghini thay vì lái xe tải thì tôi sẽ quay lại đặt phòng ở Baa Atoll. Cả ba khu vực này đều tập trung các resort danh tiếng thế giới, trong đó, Baa Atoll là cao cấp nhất (ngọai trừ khu vực của Six Senses Laamu).

Tôi nghĩ, thứ đắt nhất ở Maldives là transportation từ sân bay Malé đến resort. Những 460USD/người/khứ hồi bay với thủy phi cơ của TMA trong vòng 25 phút (còn đắt hơn cả vé tôi bay từ Việt Nam sang). Và bạn…..không có sự lựa chọn nào cả. Nếu bạn chọn ở Baa Atoll, South Atoll và North Atoll hoặc các đảo nhỏ xa hơn, đó chắc chắn là phương tiện duy nhất nếu bạn không muốn ngồi phà lênh đênh 8hrs trên biển hoặc canoe dập bạn lên xuống như quả chuối 1hr – vài tiếng (tiết kiệm được khoảng trên dưới 100USD). Nên, tính toán cả chi phí này cho hành trình của bạn nhé, và giá này độc quyền của TMA nên không trả giá được đâu. Ngồi TMA là một trải nghiệm thú vị, bạn sẽ thấy được toàn bộ quần đảo rất đẹp, tha hồ mà chụp hình. Nhưng, bay thủy phi cơ thì phải ngồi cuối nhé, không thì mệt lắm, khổ thân hai đứa mình làm hàng không mà củ chuối leo lên ngồi cạnh “bác tài” xem máy móc nó thế nào, lại bay đúng vào ngày mữa bão nên bay 25 phút đã bị “say"  thủy phi cơ.

Biển ở Maldives rất nông, nên không sợ bị chết đuối, chỉ cần áo phao (cho người không biết bơi), các dụng cụ lặn ngắm san hô và cao trên 1m7 thì……vô tư ra giữa lòng dại dương ngắm cơ man màu sắc của các sinh vật biển. Biển an toàn đến mức resort còn không cần cứu hộ.

Thời tiết ở Maldives nắng hay mưa đều đẹp. Mùa mưa rơi vào tháng 8, nhưng chỉ mưa 1hr rồi tạnh, trời sẽ quang, rồi có thể sẽ mưa tiếp, nhưng tuyệt nhiên không mưa rả rích cả ngày. Tôi ở Maldives 4 ngày 3 đêm thì mưa cả 4 ngày 3 đêm (là sao?).


Villa đặc trưng của Constance Moofushi Maldives

"Heaven is the place on earth with you"


Bờ cát mịn màng, bãi biển xanh ngọt mắt và những rặng san hô óng ánh đẹp tuyệt vời là những gì bạn tìm thấy ở thiên đường

——

Một số thông tin thêm:

Chuyến bay đến Maldives từ Việt Nam khá “khan hiếm”, chủ yếu là bốn hãng:

- Tiger Airways (TR): bạn phải quá cảnh qua đêm ở Singapore một đêm đi và một đêm về (chi phí quá cảnh dĩ nhiên là tự túc). Giá vé dao động từ 7,500,00VND – 13,500,000VND/người/khứ hồi. Nhưng giờ đến Malé sẽ rơi vào khoảng vận chuyển khách của TMA là 09:30 – 15:00 rất thuận tiện để bay thẳng về resort.

- Malaysia Airlines (MH): chỉ quá cảnh ngắn giờ (1hr – 2hrs) tại Kuala Lumpur, tuy nhiên, giờ hạ cánh xuốn sân bay Malé không rơi vào khoảng thời gian vận chuyển của TMA nên bạn sẽ phải nghỉ qua đêm tại Malé và ra sân bay rất sớm để chờ giờ cất cánh về nhà (chi phí ở Malé dĩ nhiên là rẻ hơn Singapore rất nhiều, hu hu hu). Chi phí dao động từ 12,000,000VND – 13,000,000VND/người/khứ hồi.

- Sri Lanka Airlines (UL) codeshare với Vietnam Airlines: bạn sẽ phải quá cảnh tại 2 điểm Kuala Lumpur/Bangkok và Colombo. Giá cả và giờ bay hoàn toàn dao động.

- Singapore Airlines (SQ): chỉ quá cảnh ngắn giờ (1hr – 2hrs) tại Singapore, hạ cánh và cất cánh xuống/từ Malé đều rơi vào khoảng thời gian vận chuyển của TMA. Chi phí đắt gấp đôi hoặc gấp đôi rưỡi so với hai bạn TR và MH (ông bà ta vốn bảo “tiền nào của nấy” đấy). Tôi mà đi SQ thì đã đặt resort ở Baa Atoll, ha ha ha.

Các thời gian biểu bay của các hãng hàng không dao động vô chừng vì muôn vàn lý do, nên tốt nhất là các bạn nên sắp xếp lịch trình +-3 ngày linh họat để có được hành trình tốt nhất, chi phí hợp lý nhất.

Mua vé tốt ở đâu? www.vivavivu.com - dự án nhỏ này là nơi đã dung dưỡng tâm hồn tôi, mở ra những cánh cửa, dẫn đến nhiều con đường cho tôi có được ngày hôm nay, cũng như có được bài viết này. 

Các bạn đừng nghĩ Maldives là thiên đường chỉ dành cho những đôi tình nhân. Quần đảo có hệ sinh thái biển tuyệt đẹp này dành cho tất cả mọi người; ở đấy, tôi gặp gia đình, những nhóm bạn, người đi du lịch một mình, hai cô bạn gái, hai anh bạn trai cùng đến đây để kiếm người yêu. Nên nếu vẫn còn độc thân (FA) thì thì các bạn cũng có thể lên kế hoạch đi cùng với hội bạn chí cốt của mình.

Quần đảo có hệ sinh thái biển tuyệt đẹp này dành cho tất cả mọi người

Tiếng Dhiveli là tiếng của người dân địa phương, nhưng tiếng Anh, Hoa, Pháp, Ý, Đức, Nhật đều được sử dụng rộng rãi ở đây. Các resort ở đây đều tuyển lựa các bạn bè quốc tế tinh tuý nhất nên hành khách không biết tiếng Anh vẫn có thể yên tâm du lịch Maldives.

Tiền tệ: nếu chỉ ở resort mà không có ý định đi thăm thú Malé thì chỉ cần USD hay EUR là đủ.
Tôn giáo: quần đảo Maldives là quần đảo Hồi Giáo nên các bạn tôn trọng những người dân theo cách hồi giáo nhé, đừng làm tình trên biển hay tắm nude. Cấm đấy!
Wifi: yên tâm là “No news. No shoes” thôi chứ Facebook vẫn "được phép".
Thời gian: GMT+5. Nhưng giờ ở resort sẽ được tính sớm hơn 1hr (cái này ngày xưa mình cũng được học ở trường, sau này mới được tiếp xúc thực tế, hí hí). Vì sao? Vì các bạn ở thiên đường toàn quên hết khái niệm về thời gian & không gian, nên đây là một cách nhắc nhở an toàn cho hành khách để có thể đúng giờ.
Đặc sản của Maldives: cá và dừa. Vậy nên, khi ra sân bay mua đồ lưu niệm, bạn sẽ thấy đầy thú bông hình cá các loại, cưng ơi là cưng!

Và thông tin quan trọng nhất mà tôi nghĩ các bạn ai ai cũng cần biết: đến Maldives thì không cần visa! Sướng nhé!

Các bạn có thể cảm ơn tôi bằng cách share bài post này, để tất cả mọi ngừoi cùng có cơ hội được một lần biết đến thiên đường - cũng như cách tôi đã cảm ơn cuộc đời này.

——

.::Nat & her journeys::.

Maldives, Aug ‘14

(Nội dung bài viết được chia sẻ bởi Nat Nguyen. Vui lòng ghi rõ nguồn gốc By Nat Nguyen hoặc www.vivavivu.com khi chia sẻ bài viết)