Các tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (Kỳ I)

Khi ngày sắp tắt là khi những người đàn ông đen nhẻm ấy kết thúc một ngày làm việc vất vả của mình, họ tụ tập lại và phân phát vụn bánh mì cho những con bồ câu, hải âu mập thịt núc ních và không sợ người. Nếu bạn song hành cùng những người đàn ông ấy trên cùng một con đường, tôi dám cược rằng những con bồ câu tượng trưng cho hòa bình và tự do sẽ sà vào lòng họ mà không phải bạn đâu. Đối với tôi, hình ảnh ấy mới là thứ “đặc sản” của Dubai.


Những hình ảnh dung dị ở Trung Đông, vào một sáng cuối tuần mùa đông nào đó...

Tôi không tài nào viết về cẩm nang du lịch Trung Đông gói gọn trong vài trăm con chữ được, nên đành phải chia ra rất nhiều kỳ. Vùng đất huyền bí này đối với tôi có quá nhiều bí mật mà nhân loại mãi không bao giờ có thể khám phá được hết. Đây là bài viết dành tặng riêng cho Trung Đông đã “nuôi nấng” tôi suốt hai năm tuổi trẻ thành tài và thành người, cũng hy vọng ai đọc xong bài viết này sẽ có một khái niệm rộng hơn nữa về Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tôi cũng rất mong muốn bài viết này giúp ích cho các bạn phần nào trên con đường tìm hiểu và chinh phục Trung Đông. 

Trung Đông là từ gọi chung dành cho các quốc gia nằm trong lãnh thổ giữa Tây Á và Ai Cập. Cho đến thời điểm tôi rời khỏi Trung Đông thì khối này đã có 18 quốc gia, và trong đó có Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, hay còn gọi là U.A.E (*) – nơi tôi sinh sống và làm việc suốt hai năm sau khi kết thúc khóa thực tập ở trường Raffles. Tính bằng năm là thế, chứ kiến thức của tôi về vùng đất huyền diệu này tựa một hạt cát trong miền sa mạc. Tôi gọi đây là một vùng đất thần bí, vì đây chính thực là nơi hội nhập tôn giáo rõ rệt nhất, khi mà Israel và Cyprus cũng là một phần của Trung Đông. Và có mấy ai lại không quen thuộc với những câu chuyện thần thoại xứ Ba Tư và câu thần chú “Vừng ơi mở ra” của Alibaba & 40 tên cướp đã đi theo những ai thuộc thế hệ của tôi suốt thời thơ ấu. U.A.E bao gồm bảy tiểu vương quốc lớn nhỏ, trong đó phải kể đến thủ đô Abu Dhabi và thành phố xa hoa bậc nhất thế giới Dubai, nối tiếp sau đó là những tiểu vương quốc nhỏ hơn bao gồm Ajman, Ras al-Khaimah, Sharjah, Fujairah và Umm al-Quwain.

Rất nhiều người nghĩ việc sinh sống ở một đất nước Hồi giáo như U.A.E rất khó khăn và khắc nghiệt, nhất là đối với phụ nữ. Tôi xin khẳng định rằng, tôi chưa bao giờ sống ở đâu thoải mái hơn Dubai. Những tiểu vương quốc còn lại của U.A.E do có lượng người nước ngoài sinh sống ít hơn nên có đôi chút khắt khe hơn về mặt tôn giáo, nhưng tựu trung Trung Đông là một vùng đất hòa lành. Một phần nào đó của Hồi giáo và những con người sùng đạo đáng kính đã bị lạm dụng bởi lòng tham của một phần thuộc mặt trái xã hội.

Ở U.A.E, 80% người dân là người nước ngoài sinh sống và làm việc như tôi, và một số nguồn cung lao động từ Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Nepal, Philippines, số ít châu Phi, thi thoảng lại còn có một số ít người Việt Nam tôi vô tình gặp ở công trường; 20% còn lại là dân bản địa và dĩ nhiên là họ quá giàu có để lao động. Nguồn thu chính chủ yếu của tất cả các nước Trung Đông hầu hết đều nhờ vào dầu mỏ. U.A.E lại tận dụng thêm được nguồn lao động quốc tế, miễn thuế cho tất cả các mặt hàng, tất cả mọi người nên nguồn lao động từ tri thức đến chân tay đều phục vụ hết công năng cho đất nước của họ.

Những gì xa hoa bạn có cơ hội đọc trên tạp chí hay báo đài về Dubai đều hoàn toán chính xác, họ không chỉ phô trương của cải của mình qua lời nói mà còn bằng hành động. Những công trình nhân tạo, dát vàng, nạm kim cương và những thú vui xa xỉ của người dân nơi đây là một thứ “đặc sản” mới được hình thành thu hút sự chú ý của thế giới. Truyền thông chỉ tập trung vào sự hào nhoáng choáng ngợp và hẳn đã bỏ qua rất nhiều phần dung dị ở Dubai nói riêng, hay U.A.E nói chung. 


Những buổi sáng mùa đông ở Trung Đông của tôi, bên bình shisha bạc hà quyện với mùi táo thơm nồng. Trời ở bên ngoài se se lạnh và bầu trời thật trong

Ở U.A.E, mức độ an toàn cao đến tuyệt đối, không chỉ là những sự nguy hiểm mang tầm cảnh báo quốc tế mà an toàn ở cả những việc ăn cắp cỏn con. Ở U.A.E, trộm vặt, chen lấn, gây hấn với nhau và những việc làm trái với những điều dạy của kinh Quran dường như không tồn tại. Từ những người dân lao động chân tay bình thường đến tầng lớp cao cấp hơn đều ý thức về một nền văn hóa tôn trọng lẫn nhau và “nhập gia tùy tục” ở mức cao nhất. Hồi lâu rồi, tôi có xem qua một đoạn video, quay cảnh một người đàn ông vờ làm rơi ví của mình ở Dubai, khảo sát 30 người trên 30 người thấy ông rơi ví đều nhặt và đưa lại cho ông, kể cả khi ông đã cố ý đi thật xa. Đây không phải là một video dàn dựng, vì đối với tôi, điều đó cũng đã từng xảy ra thật. Thời gian đầu tôi mới chuyển sang Dubai sinh sống, có một lần tôi ngồi chờ xe bus sau giờ làm cùng một cô bạn đồng nghiệp người Philippines tên Paula – cũng là người thầy đầu tiên ở Dubai của tôi - thì chợt nhớ mình vẫn quên đồ trong văn phòng. Tôi nhờ cô bạn trông hộ giúp tôi túi xách, thế nào mà cô ấy lại quên bẵng đi và chẳng thèm mảy may đoái hoài đến túi xách của tôi. Độ nửa giờ sau tôi quay ra lại trạm xe bus thì thấy túi xách của mình vẫn còn nguyên vẹn không sứt mẻ, mặc dù cô bạn của tôi thì đã mất hút nơi đâu. Có thể bạn sẽ nghĩ, việc này ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ tân tiến là hiển nhiên cơ mà. Nhưng điều đáng nói là, trạm xe bus tôi chờ có rất nhiều người lao động tay chân qua qua lại lại, nếu bạn nhìn thấy họ, bạn chỉ có cảm giác sợ sệt và dè chừng bởi cái vẻ ngoài đen đủi. Khi ngày sắp tắt là khi những người đàn ông đen nhẻm ấy kết thúc một ngày làm việc vất vả của mình, họ tụ tập lại và phân phát vụn bánh mì cho những con bồ câu, hải âu mập thịt núc ních và không sợ người. Nếu bạn song hành cùng những người đàn ông ấy trên cùng một con đường, tôi dám cược rằng những con bồ câu tượng trưng cho hòa bình và tự do sẽ sà vào lòng họ mà không phải bạn đâu. Đối với tôi, hình ảnh ấy mới là thứ “đặc sản” của Dubai.

----

Rồi tôi sẽ kể tiếp về Trung Đông cho bạn nghe nhé…

----


Sự xa hoa và những toà nhà cao chọc trời là một thứ đặc sản của U.A.E


Và cũng ở cùng một nơi, còn hiện hữu một thứ "đặc sản" khác chạm đến lòng người

-----

.::Nat & her journeys::.

Middle East, 2008-2010, 2013.

(*): U.A.E là chữ viết tắt của United Arab Emirates.

(Nội dung bài viết được chia sẻ bởi Nat Nguyen. Vui lòng ghi rõ nguồn gốc By Nat Nguyen hoặc www.vivavivu.com khi chia sẻ bài viết)