CHINH PHỤC HALLA-SAN Ở TUỔI 25

Và khi leo xuống núi an toàn rồi, bọn tôi mới biết chập choạng chiều tối cũng là lúc các bạn gấu, hổ, sư tử các loại tự do đi lại trong rừng. Ở khu vực núi Halla có nhiều thú dữ ăn thịt, thường xuất hiện khi ngày chưa lên hoặc khi ngày đã tắt, vì thế mà các climbers thường đi theo đòan hoặc chờ đông người rồi mới leo.

Viết tặng cho chính mình, tuyên dương tôi đã làm được một trong những việc tưởng như khó nhằn ở tuổi 25.


Trên đỉnh chưa chắc có gì đâu, quá trình leo lên đến đỉnh mới thực quan trọng, và quan trọng là bạn leo với ai nữa cơ. Có một câu nói rằng, “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Không phải là bạn sẽ đạt được gì ở đỉnh, mà là những cảm xúc bạn mang theo suốt cả hành trình đó.


Thật đấy, đường lên núi Halla chẳng có gì, ngòai:

  • Dân địa phương Jeju ùn ùn kéo nhau leo núi. Đàn ông cũng như phụ nữ. Già cũng như trẻ. Người lớn cũng như trẻ em. Tất cả đều mặc một lọai áo Northface màu sắc sặc sỡ, một lọai giày Adidas hoặc Nike, mỗi người đều cầm một cây gậy trekking chuyên nghiệp, đến cả gương mặt cũng hao hao giống nhau nốt (vâng, tôi đang đến thăm cái nôi của ngành phẫu thuật thẩm mỹ cơ mà).

     

  • Trẻ con cũng leo núi cùng mẹ. Trẻ con leo được đến đâu hay đến đó, leo giữa đường mệt thì các bé sẽ được mẹ cho ngồi xuống nghỉ mệt, uống một ngụm nước rồi lại tiếp tục leo. Trẻ sơ sinh lại được bố địu trên vai, miệng vẫn còn ngậm nắm vú nhựa, hai má hây hây hồng còn làn da thì trắng mịn màng. Gương mặt bé nào cũng rất ngây thơ và trong sáng. Nếu tôi có con, nếu tôi ở Jeju, tôi cũng sẽ leo núi cùng con mình mỗi cuối tuần, và dạy con các bài học về cuộc đời – vừa triết lý nhân sinh, vừa khoẻ khoắn.

  • Đường lên đỉnh núi Hallah  có những phân đọan nhân tạo rất dễ đi, không hề thấm mệt, có đọan dốc không là đá, đi vài bước đã thấm đẫm mồ hôi. Hai bên dọc đọan đường trekking có đủ bảng hướng dẫn (thật ra cũng chỉ có độc một lối đi, đường lên và xuống là một) bằng phiên âm latin và cả tiếng Anh nên rất dễ hiểu (mặc dù 99.8% người leo núi Halla bọn mình gặp hôm ấy là người bản xứ – và hầu như không ai nói tiếng Anh cả).

  • Khí hậu trong lành thấm cả vào phổi. Nằm đọc sách thỏai mái trên lá khô, quên đi những lo âu, muộn phiền đang diễn ra bên ngòai kia thế giới là trải nghiệm trên cả tuyệt vời mà có mấy ai biết nắm bắt? Du khách đến Jeju chỉ tham quan đảo núi lửa nhỏ xinh này tối đa hai ngày (nhất là các tour được tổ chức trọn gói). Tôi dám chắc chả ai dở người quyết tâm leo núi Halla như chúng tôi cả đâu. – Thỉnh thoảng dọc đường có những chiếc phảng gỗ đầy quạ đen và không hề sợ người. Tôi cứ nằm ngủ trong cái lành lạnh sướng tê người mà chẳng sợ gì, vì có hai người bạn đồng hành kề bên.

  • Giữa đường có một khe suối nhỏ, nước chảy mãi không ngừng cũng là nguồn cung cấp nước duy nhất cho những người leo núi. Nước giữa rừng nhưng trong và ngọt, uống vào thanh cả cổ và đánh tan đi bao nhiêu là mệt nhọc tức thời.

Chúng tôi học được bài học “when there is life, there is hope” (còn có cuộc sống, còn có hy vọng) mà Anne Frank đã từng biên niên trong nhật ký của mình. Nói thế có vẻ “hơi quá”, nhưng thực sự thì bọn tôi đã để dành phần thức ăn nóng hôi hổi, có bò, có gà, có cơm trắng nóng dẻo và các loại thức ăn kèm đến đỉnh mới được ăn, dù đói mấy và dừng ở mấy trạm cũng nhất quyết không ăn. Câu chuyện thức ăn và leo núi của chúng tôi cũng làm tôi nhớ đến câu chuyện mẩu bánh mì gỗ mang đầy hy vọng của hai người Do Thái trốn chạy thời Đức Quốc Xã. Tối biết, đó là bữa ăn “bệt” nhất và ngon nhất mà chúng tôi đã từng ăn. Chúng tôi đã ăn ngấu nghiến thức ăn của mình và trân trọng đến từng miếng cuối cùng. Vậy đó, chỉ vì biết “để dành” hy vọng được ăn một bữa ra trò đó mà chúng tôi đã leo được 1500m tại Halla-san. Chúng tôi không thể leo được đến đỉnh (1850m) vì sẽ rất nguy hiểm cho những climbers chạm mốc này sau 13:00hrs (chúng tôi chạm mốc 1500m thì đã sau 13:00hrs). Thế là đành quay về. Tuy không leo được đến đỉnh nhưng chắc hẳn bạn không biết chúng tôi đã tự hào thế nào về đoạn đường dốc đá mình đã đi qua đâu.


Đường xuống núi không dễ dàng như chúng tôi dự đoán (phàm leo lên khó, leo xuống dễ cơ mà). Đường xuống núi có vẻ như ai đó đã lấy bút vẽ cho dài thêm ra. Phần vì đuối sức, phần vì ánh chiều có vẻ làm cho con người ta chạnh lòng hơn nên ba chúng tôi cứ cặm cụi mà bước đi, không ai nói với ai câu nào. Ngày cũng đã rũ buồn. Chúng tôi leo xuống chậm đến mức hướng dẫn viên của tôi mém tí đã phải huy động lục lượng cứu hộ rừng đi tìm kiếm chúng tôi. Và khi leo xuống núi an toàn rồi, bọn tôi mới biết chập choạng chiều tối cũng là lúc các bạn gấu, hổ, sư tử các loại tự do đi lại trong rừng. Ở khu vực núi Halla có nhiều thú dữ ăn thịt, thường xuất hiện khi ngày chưa lên hoặc khi ngày đã tắt, vì thế mà các climbers thường đi theo đòan hoặc chờ đông người rồi mới leo.


Bỗng nhiên tôi nghĩ, sau này, khi ở bên kia con dốc cuộc đời rồi, liệu tôi có “leo xuống” chậm chạp thế không?

Tôi, ngày ấy, 25 tuổi, đã leo 1500m ở Halla-san – ngọn núi lửa cao nhất của Hàn Quốc.


.::Nat & her journeys::.

Jeju, South Korea, April ’14. 

(Nội dung bài viết được chia sẻ bởi Nat Nguyen. Vui lòng ghi rõ nguồn gốc By Nat Nguyen hoặc www.vivavivu.com khi chia sẻ bài viết)

Người người ùn ùn kéo nhau leo núi Halla

Trẻ sơ sinh cũng đã được bố mẹ tập cho leo núi – một nét hay ho và tinh thần thể thao đáng ngưỡng mộ của người dân Jeju


"Đừng sợ con yêu, có mẹ đây!"


Bữa sáng trong rừng sâu. Nước cà chua Hàn Quốc là ngon nhất quả đất



Bữa trưa ngon nhất trong lòng mẹ thiên nhiên - chỉ vì chúng tôi đã biết "cố gắng" và "để dành"



Phảng giữa rừng già - chỗ trú chân cho cả người và quạ