TRÊN ĐOẠN ĐƯỜNG DÀI

Lần này, tôi yêu mất rồi Đà Lạt. Tôi nghĩ, chắc vì chúng tôi đã chạy xe bon bon trên những đoạn đường những tưởng chỉ có ở châu Âu. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau suốt sáu tiếng đi – sáu tiếng về. “Những dặm đường xa luôn làm chúng ta gần nhau hơn”



Viết tặng Anh. 

Đà Lạt mộng mơ bao nhiêu, thì tôi lười nhác bấy nhiêu…


Những ngày đầu xuân xinh đẹp, tôi và Anh sắp xếp một cuối tuần lái xe sáu tiếng đi – sáu tiếng về (thật ra, chỉ có mình Anh lái) lên Đà Lạt. Chuyến đi này đối với tôi mà nói, mang ý nghĩa hơn bình thường rất nhiều. Khoảng thời gian cận Tết, lịch trình của Anh thì bận rộn, các chuyến đi của tôi thì dài ngày. Nên sắp xếp được một cuối tuần duy nhất và quý giá lọt ra khỏi quỹ đạo của chúng tôi, tôi mừng lắm.

Tôi lên Đà Lạt rất nhiều lần, từ hồi học cấp III nhí nhố rồi. Lần đầu tiên tôi được đi máy bay trong đời là năm 11 tuổi, cũng là bay đến Đà Lạt. Nghỉ việc ở Côn Đảo rồi quyết định làm vài địa điểm xuyên Việt cho biết với người ta, cũng chọn Nha Trang, Huế và Đà Lạt. Vậy mà, tôi không có ấn tượng gì nhiều ngoài vài nét đặc trưng mà người ta vẫn thường hay nói về Đà Lạt – tuy ở đó, tôi vẫn còn gửi gắm một vài kỷ niệm. Lần này, tôi yêu mất rồi Đà Lạt. Tôi nghĩ, chắc vì chúng tôi đã chạy xe bon bon trên những đoạn đường những tưởng chỉ có ở châu Âu. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau suốt sáu tiếng đi – sáu tiếng về. “Những dặm đường xa luôn làm chúng ta gần nhau hơn”(*).

Còn lại thì hình như Đà Lạt vẫn vẹn nguyên.


Những cung đường đẹp những tưởng chỉ có ở châu Âu


Căn villa thời Pháp của Ana Mandara tôi ở vàng cũ kỹ nằm im lìm trên sườn đồi dốc, lọt thỏm giữa rừng thông trăm tuổi xứ núi, lặng thinh chiêm nghiệm một phần Đà Lạt nhìn từ trên cao ngày qua ngày. Tôi ở một phòng trên tầng một của căn villa. Sàn gỗ nhưng đi lại không kêu cọt kẹt, giường êm ái rũ màn trắng lãng mạn, vật dụng xưa cổ rải rác trong phòng, xen lẫn với những thiết bị căn bản hiện đại mà một resort năm sao cần có. Tôi thích phòng tắm của Ana lắm, đặc biệt là cái bồn tắm kiểu Pháp – y như cái bồn tắm của khách sạn A&Em số 150 Lê Thánh Tôn ở bên hông chợ Sài Gòn. Sau này, tôi nhất định sẽ tậu một cái bồn tắm như thế cho căn hộ đầy nắng của tôi.

Lên Đà Lạt hỏi đường đến Ana Mandara chẳng ai biết, phải hỏi là khu biệt thư Lê Lai. Villa của tôi số 5. Chúng tôi cứ tự chạy xe đến tận villa trên những con đường gồ ghế trải đá – trông vậy thôi mà lại uốn lượn mềm mại lắm.

Đêm cuối, tôi và Anh dùng bữa tối ngon miệng vô cùng ở Le Petit. Nhà ăn nằm ẩn hiện trong màn đêm và rừng thông về đêm ma mị. Đồn rằng ở Đà Lạt lắm ma, vậy mà sao vẫn dễ thương quá trời? Chúng tôi gọi một phần rau củ nướng khai vị, cá hồi nướng cho tôi, cá tằm nướng gia vị cho Anh và uống vang Đà Lạt. Anh kể cho tôi nghe về một chai vang ngon là chai vang thế nào, nhấp vào lưỡi phải tê tê. Từng hạt phân tử rượu lên men đánh thức và mơn trớn vị giác của người thưởng thức. Người thưởng thức sành nhất cũng chẳng hay ngụm rượu đó trôi tuột qua cổ họng rồi, chỉ còn vương vấn lại ở lớp biểu bì thành cổ một sự sung sướng lắm. Tôi nghĩ, đó là đỉnh cao của sự thẩm thấu. Lúc đó, anh ví uống được một ngụm rượu vang ngon như thời nghèo khó có được ít tiền ăn một miếng lòng lợn ở miền Bắc (ở miền Nam gọi là dồi trường), tôi cười quá trời vì tôi không ăn lòng lợn. Sau này, Anh lại ví nó tuyệt vời như việc làm tình. Rồi Anh kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện khép kín vài năm qua chẳng chia sẻ với ai, trong đó có những người bạn xa Anh hàng ngàn hải lý, nhưng mãi mãi là bạn tốt của nhau.

Đêm Đà Lạt buông xuống lạnh, người dân thì phải trùm kín mũ, áo len vài lớp đứng chửi thề “Đụ Má lạnh quá” ở đâu đó ngay gần Ấp Ánh Sáng, mà tôi lại mặc áo ống sọc xanh, lộ luôn một bờ vai trần không-gợi-cảm, váy maxi màu xám và giày đế bệt H&M màu trắng dơ hầy (do sáng hôm đó đi len lỏi nhiều quá mấy ngóc ngách của Đà Lạt). Không phải người Đà Lạt chịu lạnh kém hơn người Sài Gòn, chỉ do tôi vẫn còn quen với thời tiết 0 độ của Nepal mà thôi. Anh vẫn mặc chiếc áo ca rô sọc tím của Tommy Hilfiger tôi khen nức nở từ hồi ở châu Âu về đến giờ, thơm thơm mùi dầu xả vải.


Hôm nay tôi gặp chị Hà và kể về chuyến đi Đà Lạt dịp ấy, chị bảo rằng “Uhm, đi lên Đà Lạt thì chị cũng chỉ thích ở Ana thôi“. Ana Mandara – nghe tên gọi cũng đã thấy kiêu sa, đỏng đảnh. Tôi luôn nghĩ rằng, Ana là tên, Mandara là họ, của một cô gái Pháp ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Bạn biết không, những bữa sáng tôi ngồi ở Ana, thưởng thức một bát phở nóng, vài lát bánh mì nướng, thêm ít dim sum, một đĩa salad to bự, trái cây và yoghurt dâu tráng miệng, cùng một tách trà xanh nóng, trong ánh nắng ấm áp của Đà Lạt cũng đã đáng giá việc chạy xe bon bon sáu tiếng đi – sáu tiếng về trên những đoạn đường những tưởng chỉ có ở châu Âu. Ánh nắng ở Đà Lạt rọi vào đâu thì lấp lánh đến đó. Anh bảo rằng, những bữa sáng thư thái ở Ana đã tạo nên hành trình của chúng tôi. Thì cũng phải thôi, đồ ăn ngon, vừa miệng, phong cảnh hữu tình, có cô người yêu bé nhỏ xinh đẹp ngồi kề bên cơ mà…….

Bầu trời Đà Lạt xanh và trong veo.

Ăn sáng và tắm mình trong từng đợt nắng dịu ngọt của Đà Lạt

 

 

 

 

 


.::Nat & her journeys::.

Trên những cung đường đến Đà Lạt & Ana Mandara Đà Lạt, Việt Nam, tháng 01, 2015

(*): câu nói gốc là “the further you travel together, the closer you get to each other” của một anh bạn người Pháp đã nói với tôi

(Nội dung bài viết được chia sẻ bởi Nat Nguyen. Vui lòng ghi rõ nguồn gốc By Nat Nguyen hoặc www.vivavivu.com khi chia sẻ bài viết)