Ở CYPRUS CÓ ÁNH NẮNG TÔI THƯƠNG

Tôi đón sinh nhật tuổi 22 ở một trong những hòn đảo xinh đẹp nhất Địa Trung Hải. Những việc non dại này chỉ có thể được thực hiện ở những năm tuổi trẻ.

Viết tặng cho mối tình đầu của tôi.

 

-----

Tôi bỏ lại hết một công việc được-coi-là-tốt-nhất ở cái xứ nhiều vàng, nhiều dầu, nhiều cát. Tôi bỏ lại một thiên hà tôi cất công xây dựng, bay thẳng (à không hẳn, có quá cảnh ở Bahrain) đến Cyprus hưởng thụ cuộc sống, mặc kệ sự đời trong vòng nửa tháng. Bao nhiêu tiền kiếm được tiêu xài xa xỉ ở cái hòn đảo tình yêu đắt đỏ. Tôi vẫn còn nhớ, ngày ấy, Clarence và Adele đèo tôi lên tận Abu Dhabi xin visa Cyprus trên chiếc Peugeot nâu second-hand cũ kỹ; lúc ấy, hai bạn vẫn còn phải dành dụm nhiều cho cuộc sống hôn nhân sắp tới nên chỉ có thể mua được chiếc xe này. Tôi xin nghỉ việc vào tháng 4, nhưng nán lại đến tận tháng 8 mới rời khỏi thành phố Ả Rập xa hoa đã dung dưỡng tôi suốt hai năm ròng. Đó, tôi hòanh tráng lắm, đón sinh nhật tuổi 22 ở một trong những hòn đảo xinh đẹp nhất Địa Trung Hải. Những việc non dại này chỉ có thể được thực hiện ở những năm tuổi trẻ.

Cyprus là hòn đảo của Aphrodite, của tình yêu và sắc đẹp. Nghe có vẻ kiêu kỳ và lộng lẫy, nhưng Cyprus làm cho tôi cảm thấy mình đang đi lạc vào những câu chuyện cổ tích của Hans Christian Andersen hơn. Cyprus nên thơ như tranh vẽ, lúc nào cũng lặng lẽ, và có vẻ già cỗi.

Larnaka nhộn nhịp và có lẽ là thành phố trẻ nhất trong những thành phố của Cyprus, cũng là thành phố tôi dành hầu hết phần thời gian của mình ở đây. Tôi bay đến Larnaka bằng Gulf Air, hành lý bị lục tung ra vì tôi lỡ dại để cái hộp đựng Iphone trong valise ký gửi, bye bye cái tai nghe, charger và cơ số mỹ phẩm thường dùng (cái Iphone tại thời điểm đấy vẫn còn). Sân bay Larnaka bé ti hi, diện tích, thái độ phục vụ, mức độ vệ sinh cũng cỡ…..sân bay nội địa Tân Sơn Nhất (trước khi trùng tu), chỉ có các chú hải quan rất nhanh nhẹn và dễ thương.  Taxi ở Larnaka chỉ có từ…..limousine trở lên (mặc dù hơi cũ nhưng vẫn là limousine) nên tôi bắt cái xe không-phải-limousine-duy-nhất ở đấy để đi về khách sạn.

Tôi ở dài ngày ở Easy Hotel; và tin tôi đi, khách sạn đúng với tên gọi Easy của nó. Tất cả đồ đạc trong phòng đều rất nhẹ, được thiết kế và chế tạo bằng nhựa thân thiện với môi trường, lại tiện dụng theo một cách rất thông minh. Giá phòng ở đây không rẻ, nhưng rẻ nhất trong số các khách sạn mà tôi đã tìm kiếm.

Ẩn náu bên trong của Larnaka là sức nóng hừng hực của tuổi trẻ, trong cái vỏ bọc già nua bên ngòai của Cyprus. Ở Larnaka có những buổi tiệc biển thâu đêm suốt sáng, du khách tấp nập, những bãi biển lớp lớp người nằm dài sưởi nắng, hy vọng ánh nắng thiên nhiên chói chang của Địa Trung Hải nhuộm nâu làn da họ, hàng quán chen chúc nhau mọc ở Sea Front Piazza, đủ các lọai nghệ sĩ đường phố ngân vang các ca khúc vui tai đặc trưng vùng Địa Trung Hải khi đêm về, có các nhóm thanh niên trai tráng chạy xe mui trần thời thượng đi ve vãn các cô gái trẻ xinh đẹp (như tôi chẳng hạn).

Larnaka nồng hậu, ồn ào và náo nhiệt

—–

Tôi thích ẩm thực Địa Trung Hải.

Kỷ niệm tôi nhớ nhất về Larnaka chắc có lẽ là……cái quán nhỏ bán đồ ăn Hy Lạp và Cyprus ngay gần khách sạn tôi ở. Thực đơn chỉ có tiếng Hy Lạp, chú chủ quán cũng không hề nói được tiếng Anh. Chú thích thêm, Cyprus từng là thuộc địa của Anh (người Anh ở Cyprus sẽ sống ở một vùng khác), Hy Lạp (sống ở một vùng khác) và Thổ Nhĩ Kỳ (tập trung sống ở một vùng khác). Đến bây giờ, người Thổ sống ở Cyprus vẫn sử dụng tiếng Thổ và Hy Lạp sống ở Cyprus cũng chỉ sử dụng tiếng Hy, và cả hai bạn này đều tự nhận Cyprus từng là thuộc địa của mình thôi (*thở dài*). Quay về câu chuyện cái quán ăn. Ngày nào tôi cũng sang đấy ăn, ít nhất cũng là ngày 1 bữa, vì đồ ăn của chú ấy bán vừa ngon, vừa rẻ. Do không biết tiếng, mỗi ngày tôi đến chỉ chỉ vào thực đơn theo thứ tự từ trên xuống dưới, và hết 15 ngày thì tôi ăn hết cái thực đơn. Tôi nghĩ, chắc đây là việc phấn khích nhất khi đi du lịch tôi đã làm. Đến ngày cuối cùng, tôi vẫn không nói được một chữ Cypriot nào, và chú cũng chẳng nói được chữ tiếng Anh nào, nhưng chú hiểu tôi phải đi, và chú hiểu tôi cảm ơn chú vì các món ăn ngon. Có khi nào vì thế, mà phần ăn của tôi luôn to đùng so với các phần ăn của các thực khách khác?

Tôi cũng mê mệt cái nhà hàng nổi tiếng nhất Larnaka Militzis hướng biển và món Mouskka đậm đà, Halloumi Cheese quên ngon sầu, Village Sausage với cái vẻ ngòai hơi xấu xí nhưng thần thánh và yogurt Hy Lạp rưới lên tí mật ong ngầy ngật. Tôi còn nhớ, một khỏang thời gian sau khi từ Cyrpus trở về, tôi nghiện ngập món yogurt rưới lên tí mật ong; ở Sài Gòn, chỉ có mỗi Kita Cafe và Au Parc là có hai món này, nhưng dĩ nhiên là không thể sánh bằng yogurt chính gốc Hy Lạp. Tôi nghĩ, nếu sau này trước khi tôi nhắm mắt lìa đời, tôi chỉ mong ước được ăn lại Halloumi Cheese và homemade yogurt có rưới mật ong của nhà hàng Militzis, tôi sẽ chết trong sung sướng. À, có thêm một chai Rose nữa thì tôi sẽ lên thiên đàng luôn.

Militzis luôn không có bàn trống sau 7h tối, nhưng phục vụ vẫn rất chu đáo. Xe ô tô để chật cả các con đường quanh co nhỏ xinh dẫn ra biển, chắc vì địa hình mà người dân nơi đây cũng thích lái những chiếc xe nhỏ gọn hơn. Tôi ăn tối ở Militzis hầu như là mỗi đêm, rồi cứ thong dong đi bộ 2.5km về lại khách sạn, hít hà cái không khí biển mằn mặn, băng ngang qua những họat động sôi nổi về đêm ở Sea Front Piazza, ước gì mình đã có đủ dũng khí hơn để lao mình xuống tắm biển đêm. Trăng đêm ấy tròn vành vạnh lơ lửng trên bầu trời đêm Địa Trung Hải.

Halloumi Cheese ngon quên sầu

Yoghurt có rưới tí mật ong ngầy ngậy làm tôi ngây ngất

Trăng đêm ấy tròn vành vạnh, lơ lửng dưới bầu trời Địa Trung Hải

-----

.::Nat & her journeys::.

Larnaca, Cyprus, Aug ’10.
(Nội dung bài viết được chia sẻ bởi Nat Nguyen. Vui lòng ghi rõ nguồn gốc By Nat Nguyen hoặc www.vivavivu.com khi chia sẻ bài viết)