Đọng lại Burma - Bagan (I)

Đáng giá từng bậc thang! Đó là những gì tôi nghĩ khi leo lên đến đỉnh. Bagan nhìn từ trên cao xuống đầy cây xanh nhưng không mát mắt mà đượm buồn, gợi lên một sự mất mát và xa vời, ánh nắng rất đẹp phủ cả một vùng xanh. Chùa và đền mọc nhan nhản khắp nơi. Người dân Bagan xây rất nhiền đền và chùa, sau đỏ bỏ hoang và chỉ có người thật sự chăm sóc các ngôi chùa lớn đếm trên đầu ngón tay.

Thời gian ở Myanmar dường như trôi chậm chạp hơn thế giới bên ngòai thì phải....

------

Ngày thứ Hai ở Myanmar - Bagan. 

Chúng tôi đến Bagan vào lúc 5:30AM. Ngòai trời tối mịt mù và lạnh tái tê. Tôi và bạn đồng hành hai đứa chỉ mặc mỗi một cái áo thun mỏng tang, jeans và giày thể thao nên tay chân đều run lập cập. Cái lạnh, sương giăng và tiếng ngựa chạy lộc cộc làm cho chúng tôi cứ tưởng mình đang ở Đà Lạt. Nhưng thú thật thì, nơi đây mang một vẻ đẹp khác Đà Lạt lắm. Xe ngựa đưa chúng tôi đến khách sạn Thante và chúng tôi được nhận phòng ngay, quen biết thật có lợi! Tắm táp nước nóng, chúng tôi định bụng chỉ chợp mắt một tiếng đồng hồ thôi để còn thời gian khám phá Bagan nữa chứ, vậy mà tắt luôn điện thọai và mở mắt dậy lúc 12:00hrs trưa…….

Tôi đặt tên cho ngày thứ Hai ở Bagan của tôi là Ngày thô sơ với hòang hôn tuyệt đẹp giá 15USD. 

Do chưa biết về giá cả và đời sống ở Bagan, nên chúng tôi cũng chần chừ trong một số quyết định. Sau đó, chúng tôi quyết định sẽ thuê horse cart nửa ngày và tự khám phá Bagan không cần hướng dẫn viên địa phương, ngày hôm sau chúng tôi sẽ thuê sau với giá 30USD/ngày. Nếu bạn thuê xe ngựa cả ngày sẽ mất 25,000Kyat và nửa ngày sẽ mất 15,000Kyat. Đừng cố gắng trả giá vì đây là “giá thị trường” và tiền tệ ở đây chẳng là gì so với những gì bạn tiêu xài ở Việt Nam đâu. Tài xế đánh xe ngựa của chúng tôi là một người đàn ông địa phương hiền từ, thân thiện, nói tiếng Anh rất tốt, năm nay đã 49 tuổi và đánh xe ngựa từ năm 1985 (lúc tôi còn chưa sinh ra đời). Chúng tôi bắt đầu điểm đầu tiên ở….nhà hàng Black Bamboo. Có thực mới vực được đạo. Nhân viên phục vụ rất tận tình và dễ thương, giá cả tạm ổn (thật ra là rất đắt so với các nhà hàng khác tại Bagan) và đồ ăn thì không ngon lắm. Chỉ có mỗi điểm cộng cho việc bài trí khá thanh tịnh của nhà hàng và phục vụ tốt. Chúng tôi gọi một món Tây (Chicken Brochettes) và một món địa phương (Myanmar beef curry). Lạc và beer được đem ra khai vị, làm tôi nhớ đến mấy ông bợm nhậu Việt Nam quá (chúng tôi chỉ gọi một chai beer đỏ Mandalay ở Bagan). Ăn trưa xong thì hai đứa lững thững đi dọc con đường đất ra đường cái. Bagan thô sơ quá, đồng nội quá làm chúng tôi có cảm giác mình đang về lại một vùng thôn quê Việt Nam những năm 80. 

Những gì được miêu tả về Myanmar quả chẳng sai, người dân địa phương ở đây hiền hòa và hiếu khách vô cùng. Họ mến chúng tôi, và chúng tôi mến họ. Tôi học được hai câu chào cơ bản ở đây, “Ce Su Ba/ Ce Su Ba Chum Ba De” = Cám ơn/ Cám ơn (dành cho người lớn tuổi) và “Mingalaba” = Xin chào / How do you do. Người dân địa phương sẽ rất thích thú nếu bạn có thể nói những thứ cơ bản bằng tiếng của họ và cười tươi như hoa nở khi gặp họ, cho dù có quen biết với bạn hay không. Nên, đừng tiếc gì món trang sức đắt giá mang tên Nụ Cười ở Burma nhé.


Còn gì bằng khi được thưởng thức một chai beer mát lạnh giữa cái nắng nhiệt đới những ngày xuân vừa tắt?


Nghệ nhân tranh cát ở Bagan. Tranh cát là một thứ "đặc sản" đậm chất nghệ thuật mà bạn nhất định phải mua về làm quà khi đến Bagan.


Nghệ nhân đẽo búp bê gỗ trên "đường làng" Bagan


Những đứa trẻ con đáng yêu vô cùng ở Bagan

Ra đến đường cái thì lại nhận được cuộc gọi của chú đánh xe, chú bảo chú đang chờ chúng tôi ở Black Bamboo mất rồi, thế là chú phải đánh ngược ngựa ra đường cái và chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá hòang hôn trứ danh ở Bagan. Dọc đường đi, chúng tôi trò chuyện đủ thứ về cây cối, văn hóa, con người và sự khác biệt giữa hai dân tộc. Tiếng Anh của chú rất tốt do tự học hỏi và trui rèn từ 30 năm nay qua những lần chở khách nước ngòai đi khắp Bagan. Chúng tôi nhìn thấy một đàn bò trắng đang ung dung gặm cỏ bên các ngôi đền chùa khắp Bagan. Cảnh tượng thanh bình đến lắng lòng. Thế là, dừng xe lại mà vào tác nghiệp thôi.

Chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến Pyathada Paya – ngôi đền cao thứ Hai Bagan, cũng là điểm ngắm hòang hôn nổi tiếng thu hút hàng trăm du khách mỗi ngày ở nơi đây (ngôi đền cao nhất Bagan, cũng là điểm ngắm hòang hôn đẹp nhất không được mở cửa cho du khách đến thăm vì lý do bảo tồn). Chúng tôi đã phải mua vé 15USD/người (mà đến ngày hôm sau chúng tôi mới nhận ra là mình ngốc khủng khiếp) để lên ngắm hòang hôn ở Pyathada Paya. Đi dạo xung quanh các con đường đất đầy bụi và chụp linh tinh được cả tá hình ảnh đẹp, chúng tôi vào giải khát mỗi đứa một quả dừa tươi mất 1000Kyat/trái thôi và leo lên tháp. Bậc tam cấp ở Pyathada Paya hẹp và dài, mỗi bậc cách nhau hơn cả 1 bàn chân tôi nên cảm giác rất cheo leo. Tôi lại rất sợ độ cao nên có thể nói đây là một cuộc cách mạng vì 15USD và vì đã bỏ công đến Myanmar mất rồi, không thể để nỗi sợ chế ngự được. 

Đáng giá từng bậc thang! Đó là những gì tôi nghĩ khi leo lên đến đỉnh. Bagan nhìn từ trên cao xuống đầy cây xanh nhưng không mát mắt mà đượm buồn, gợi lên một sự mất mát và xa vời, ánh nắng rất đẹp phủ cả một vùng xanh. Chùa và đền mọc nhan nhản khắp nơi. Người dân Bagan xây rất nhiền đền và chùa, sau đỏ bỏ hoang và chỉ có người thật sự chăm sóc các ngôi chùa lớn đếm trên đầu ngón tay. Có đến 3000 ngôi chùa lớn, nhỏ chỉ trong Bagan. Quả là xứ Chùa. Khách du lịch nhiều quá, Tây có, Tàu thì vô số kể. Chúng tôi đến từ rất sớm, đã có chỗ tốt, vậy mà cũng ngang nhiên bị một nhóm du khách Trung Quốc chen vào; cáu kỉnh nhưng cũng không đáng nói, chúng tôi quyết định leo xuống một tầng để thóang hơn. Tầm nhìn từ chỗ chúng tôi vừa leo lên và trèo xuống cũng không khác nhau là mấy. Đẹp đều!

Bạn tôi chụp rất nhiều ảnh hòang hôn ở Bagan. Tôi chỉ chụp ba tấm và còn lại ngồi thưởng thức cái sự đẹp ấy. Tôi nhớ mình đã nghe hai bài Blue Birds và Tự Kỷ trong khi ngắm mặt trời từ từ lặn xuống sau rặng núi. Tôi nhớ bộ film Walter Mitty gần đây đã xem – có đôi khi, hạ máy chụp hình xuống mà tận hưởng giây phút ấy thôi, rồi….tính sau. Cảnh có buồn nhưng thực sự rất đẹp. Dường như sự đẹp thường gắn liền với sự buồn.


Một người khách lữ hành đơn độc nào đó trên đền Pyathada Paya


Đền Pyathada Paya và dòng người chen chúc nhau để thưởng thức thứ "đặc sản" mang tên Mặt-trời-lặn-ở-Bagan


Ở Bagen, chỉ có đền chùa và một khung cảnh chiều tà đẹp tuyệt vời!

Hòang hôn đã tắt, dòng người ào ào đổ xuống và….làm cho tôi đỡ sợ hơn rất nhiều, ít ra nếu chẳng may trượt chân tôi cũng sẽ chỉ chồng lên người bên dưới mà không gãy bộ phận nào cả đâu. Myanmar đã dần mất chất thô sơ và đang chuyển mình đón khách du lịch, nên có những điều rất du lịch mà tôi không thích tí nào. Tôi mừng vì mình đã đi khi Myanmar chưa thật sự thay đổi, vẫn còn chút hoang sơ sót lại trước khi du khách và Đô La tô son trét phấn cho đất nước này.

Mặt trời lặn. Một ngày nữa lại trôi qua. Chúng tôi cũng kết thúc ngày thứ Hai ở Myanmar của mình bằng hai tô mì gà địa phương đối diện khách sạn chỉ 500Kyat/bát. Bạn có thể thấy rõ sự phân biệt giàu nghèo khá rõ rệt ở Myanmar; việc đó hình như chỉ cách nhau….1 con đường.
Chú đánh xe dẫn vợ chú lại giới thiệu với bọn tôi và nói giúp với cô chú bán mì chúng tôi ở bên đường thôi, gọi luôn thức ăn giùm chúng tôi bằng tiếng địa phương. Nài nỉ để chú ăn tối cùng chúng tôi mãi không được, chúng tôi đành vẫy tay chào tạm biệt chú và thầm cảm ơn mình đã lại gặp được một người tốt nữa trong cuộc sống bề bộn này.


Khi hoàng hôn đã tắt là lúc ai về nhà nấy...


Người lữ hành đơn độc cuối ngày ở Bagan


Những bát mì địa phương ngon thật là ngon


Chân dung "bác tài" của chúng tôi, không phải do s
ilhouette đâu :), bác tài đen thật đấy.

 

-------


.::Nat & her journeys::.
Feb '14, Bagan, Myanmar

(Nội dung bài viết được chia sẻ bởi Nat Nguyen. Vui lòng ghi rõ nguồn gốc By Nat Nguyen hoặc www.vivavivu.com khi chia sẻ bài viết)


Đặt chân đến Burma trong những năm tháng tuổi trẻ là một trong những con đường sỏi đá đúng đắn nhất mà tôi đã từng đi