Ở Cyprus có ánh nắng tôi thương - Famagusta

Tôi không bao giờ có thể lột tả được, lưu lại được hay biên niên lại được những ngôi làng nhỏ nhắn, tĩnh lặng và đẹp như tranh vẽ của Cyprus. Ký ức về Cyprus chỉ có thể lẳng lặng đi vào những tháng ngày sống thật chậm chạp tuổi đôi mươi của tôi – như “thị trấn ma” tưởng chừng như đã bị quên lãng, như cảng tàu già cỗi lặng lẽ nằm đó ngày ngày sưởi nắng.


Tôi đã đứng từ lưng chừng đồi của làng Bellapais mà ngắm nhìn một mùa hè trải dài cả tuổi trẻ


Bên bờ kia bức tường Venetian đã từng có một thị trấn ma (ghost town).

—–

Tôi thích dùng từ “ghost town” nhiều hơn là nghĩa dịch ra tiếng Việt. Ở đây chẳng có…một bóng ma nào cả. Gọi Famagusta là một thị trấn ma vì hơn 40 năm trước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm lược Famagusta và chiếm đóng nơi đây. Quân đội Thổ canh chừng nghiêm ngặt, tạo nên một bầu không khí sợ sệt bao trùm, bao con người đã phải bỏ xứ mà đi, dần biến Famagusta thành một nơi hoang phế. Những bóng ma quân đội lởn vởn kiểm soát sự sống, đối với tôi mà nói nghe có vẻ giống ma quỷ thật hơn là bất cứ một miêu tả ẩn dụ nào.

Dĩ nhiên khi tôi đến thăm Famagusta, đây không còn là một “ghost town” nữa. Nhưng cái sự im ắng và không khí của một thị trấn ma của ngày hôm qua hình như vẫn còn vương vấn. Khách du lịch thưa thớt. Người dân địa phương lác đác. Duy chỉ có sự thanh bình và những kiến trúc Gothic cổ xưa vẫn còn ở đó từ thế kỷ này qua thế kỷ nọ.
-----

Chúng tôi bắt xe bus từ Larnaka đến Famagusta và quay về lại trong ngày. Hướng dẫn viên của đoàn cho chúng tôi hơn nửa ngày để tự do khám phá Famagusta xuất phát điểm từ bức tường Venetian (Venetian Walls). Từ tường thành nhìn xuống trong một buổi sáng muộn, Famagusta chẳng có gì đặc biệt hơn so với các làng quê khác của miền Địa Trung Hải. Những hàng quán vắng khách ngày ngày mong ngóng những đợt khách lẻ lèo tèo từ thủ đô Nicoisia hay thành phố lớn Larnaka, có những nhà hàng trong khu vực thậm chí còn đóng cửa im lìm. Những con đường lót đá cổ kính vẹn nguyên như vừa được dựng lại trong film trường, cho dù nơi này đã trải qua bao cột mốc lịch sử. Những khẩu đại bác tàn phế từ những thế kỷ trước nằm giữa đường trơ trọi và nặng trịch. Điểm nổi bật duy nhất có lẽ là nhà thờ trung tâm, nơi đây đã bị quân đội Thổ biến thành đền thờ Hồi giáo từ thời Ottoman, rồi lúc chúng tôi đến cũng chẳng mở cửa đón chào ai.  Có lẽ đối với ai đó, Famagusta là một vùng đất chán nản…



Nhà-thờ-đền-thờ-Hồi-giáo trung tâm nằm im ắng


Những con đường lát đá vẫn còn mới tinh, mặc dù đã qua bao nhiêu là cột mốc lịch sử


Đối với riêng tôi mà nói, Famagusta là bình yên và quá khứ.

Tôi có thể đi bộ lên dốc, xuống dốc, băng qua những chiếc cổng đá vai kề vai đậm chất Gothic của Bellapais Abbey – một kiệt tác Gothic mà may mắn quá là nhân loại vẫn còn lưu giữ lại từ tận thế kỷ XIII. Trong khuôn viên toà tháp, ngoài những chiếc cổng đá sắt lạnh còn len lỏi mềm mại những chiếc cổng phủ dây leo xanh mượt, dịu dàng kìm hãm ánh nắng chói chang của những ngày hè tháng Tám. Từ Bellapais Abbey, trước mắt tôi chỉ có một cảnh tượng đẹp nghẹt thở của đại dương xanh biếc, một phần phía bắc của bờ biển Derynia lấp ló mờ mờ ảo ảo trong bức màn nhật quang dưới bầu trời Địa Trung Hải. Chúng tôi đứng đó, tựa vào nhau lặng lẽ ngắm nhìn một mùa hè trải dài cả những năm tuổi trẻ của mình. Hầu hết tất cả những hàng quán, khách sạn, café trong làng Bellapais đều đặt tên ghép vần với chữ Bella. Dạo ấy, series film Chạng Vạng còn rầm rộ lắm, chúng tôi còn trêu nhau rằng sẽ không bao giờ gặp được Bella và Edward ở đây đâu, vì ở hòn đảo tình yêu xinh đẹp này chỉ có nắng và nắng, thế nên chúng tôi vờ như không hiểu nàng Bella “quản lý” việc kinh doanh thế nào. Những câu chuyện dí dỏm tưởng chừng như cỏn con ấy, hoá ra lại đi theo tôi suốt một quãng đường thật dài.


Bellapasi Abbey - một kiệt tác Gothic vẫn còn được bảo tồn thật tốt từ thế kỷ XIII


Bên trong Bellapais Abbey, mọi thứ vẫn vẹn nguyên một cách cũ kỹ


Một góc nhỏ làng Bellapais

Rồi chúng tôi đến Derynia – làng cảng tàu cổ nhất nhì thế giới. Người ta bảo rằng Derynia cứ ở đó tự bao giờ, ước đâu chừng 700 năm từ lúc người dân địa phương nơi đây bắt đầu để ý đến nó và đếm…số tuổi cho nó. Nhưng theo những gì mà người ta tìm thấy được, thì Derynia có bề dày lịch sử còn lâu đời hơn thế, tuy đến cả cái tên Derynia cũng chẳng rõ nguồn gốc. Ở Cyprus, dường như có những thứ cứ đột nhiên xuất hiện rồi ở đó mãi chẳng rời, như thể quá khứ của vạn vật ở đây là thứ thuốc an thần êm ái nên chẳng ai buồn khai quật mà cứ cho phép mình đắm chìm trong đó thôi. Vô số nhà hàng, café mở dọc hai bên bến cảng, có khi còn nhiều hơn tất cả các du khách đang dạo chơi Derynia ngày hôm ấy cộng lại, vắng vẻ và heo hút. Đa phần khách đến Famagusta đều sẽ trở về Nicoisia hoặc Larnaka trong ngày. Chúng tôi chọn bừa một quán café và gọi một ly Frappuccino kiểu Síp, chắc tôi nghĩ chúng tôi đã chọn phải hàng dở nhất trong khu vực.


Tôi không bao giờ có thể lột tả được, lưu lại được hay biên niên lại được những ngôi làng nhỏ nhắn, tĩnh lặng và đẹp như tranh vẽ của Cyprus. Ký ức về Cyprus chỉ có thể lẳng lặng đi vào những tháng ngày sống thật chậm chạp tuổi đôi mươi của tôi – như “thị trấn ma” tưởng chừng như đã bị quên lãng, như cảng tàu già cỗi lặng lẽ nằm đó ngày ngày sưởi nắng. 

Thôi thì cứ đến Cyprus một lần đi, để đừng hối hả đánh rơi… Tôi hứa, mọi thứ rồi sẽ chỉ lơ lửng đâu đó như những hàng cây cypress thẳng tắp bên lưng chừng đồi làng Bellapais.

—-

.::Nat & her journeys::.

Famagusta, Cyprus, Aug ’10.