NHẬT KÝ ĐI THUYỀN TRÊN SÔNG CHAO PHRAYA

Lần đầu tiên tôi được ngồi trên vòng xoay lớn, lên đến đỉnh cao để ngắm sông dòng sông mẹ Chao Phraya dài hút mắt, để ngắm một Bangkok lên đèn thật lộng lẫy, để nghe những âm thanh của khu trò chơi náo nhiệt trộn lẫn rồi mất hẳn vào sự tĩnh lặng của không trung

Viết tặng một Bangkok đã từng bình yên (sự kiện đánh bomb ở gần đền Erawan vào ngày 17/8/2015 vừa qua, ở trung tâm Bangkok, làm cho tôi cảm thấy mình đã quá quá đỗi may mắn đã từng đặt chân đến những nơi đã từng bình yên; thiết nghĩ, ghi lại những cảm xúc dành cho những nơi tôi đã từng đi qua là một việc hết sức cần thiết. Tôi nguyện cầu cho Bangkok rồi sẽ lại bình yên, cả thế giới chắc chắn sẽ không bỏ tay một đất nước hiền hòa đầy đức tin và những con người nơi đây).

—–

Lan đủ màu nằm trần trụi ở chợ hoa Bangkok

 

Lần đầu tiên tôi được đi thuyền dọc sông Chao Phraya.

Lần đâu tiền tôi biết được đi thuyền dọc sông Chao Phraya hoá ra cũng là một thứ phương tiện trung chuyển khách du lịch và người dân địa phương của Bangkok, như MRT hay BTS ở trung tâm thành phố. Dòng sông mẹ Chao Phraya đã nuôi nấng những con người xứ Thái thật tốt. Hình như, những nụ cười nhiệt đới và sự nồng hậu luôn túc trực trên môi họ, trong lòng họ, một cách hết sức tự nhiên.

—–


Tôi đến Central Ferry, đứng đợi độ mươi mười lăm phút trong dòng người dần rồng rắn để bắt thuyền đến Cung Điện Hoàng Gia và Wat Pho. Vé tàu cho hai người chỉ mất có 30 baht thôi. Trời chiều Bangkok nắng, nóng và khô khan. Cung Điện Hoàng Gia và Wat Pho chỉ mở cửa cho du khách tham quan đến 3hrs chiều – nên mục đích chính của tôi là chỉ muốn ngồi thuyền đi dọc sông Chao Phraya. Gió mát rượi, nước sông bắn ướt một phần vai tôi trần và mùi sông nước xộc lên mũi tự nhiên làm tôi nhớ Nha Trang nhiều lắm – thành phố biển đầu tiên nâng đỡ những bước chân tôi chập chững vào đời. Thuyền dừng lại ở từng trạm để đón thêm người. Thuyền chạy dọc sông Chao Phraya sạch sẽ, lịch sự, có ghế ngồi, tay cầm như xe buýt. Tôi chỉ có thể biết được nơi mình cần đến do quan sát mấy anh chị khách du lịch nước ngoài mắt xanh, mũi lỏ lũ lượt kéo nhau xuống bến Thang Tien, nếu không chắc đi đến cuối dòng sông luôn quá.

Vào bến Thang Tien đã thấy sặc một mùi du lịch. Du khách tham quan nơi đây buổi sáng đang chen chúc nhau chờ thuyền quay về. Trời chiều rồi nên chỉ còn một số hàng quán mở cửa. Tôi bước ra ngoài thì gặp đầy các xe đẩy thức ăn, đồ uống lề đường. Mùi dầu mỡ chiên xào được dùng lại nồng nặc quện vào cái không khí oi bức đầu hè. Đường cái hàng nối hàng tuk tuk và taxi đầy màu sắc, là một phần đặc trưng vô cùng của Bangkok náo nhiệt.

Trên thuyền dọc sông Chao Phraya

Xuống bến Thang Tien

—–

Tôi đi ngược hướng của Cung Điện Hoàng Gia, băng qua Wat Pho rộng lớn và thả dọc xuống khu chợ hoa địa phương (nói nôm na thì khu vực này chẳng khác gì chợ hoa Hồ Thị Kỷ của Sài Gòn, chỉ có điều to bự hơn gấp sáu lần). Tôi không thấy khách du lịch ngoài chính mình. Mà trông tôi cũng chẳng “tiềm năng” lắm nên không ai buồn để tâm hay mời mọc. Chắc người ta phải tiêu thụ một lượng hoa cúc, vạn thọ và lan đáng kể ở Thái, vì chúng tôi chỉ thấy nhiều nhất là ba loại hoa này. Có một góc vàng rực. Có một góc cần xé đặt chắn cả đường đi, bên trong cần xé là lan bó từng bó to, nhỏ đủ màu. Bạn đồng hành hỏi tôi muốn mua vài bó về mà cắm không, chứ ở Sài Gòn "đắt hơn đấy, Anh sẽ cầm cho không sợ hư hoa đâu". Tôi nhìn anh phì cười rồi bảo hoa trên cành người ta cắt bán, đã mất đẹp một lần, mình lại mang hoa về đi đây đi đó, vùi dập thế thì hoa lại mất đẹp hai lần. Vậy là chúng tôi chỉ đi dọc chợ hoa mà ngắm, nhìn người ta đóng hoa, vác lên xe tải theo từng cần xé rồi chở đến mấy chợ lẻ hoặc cửa hàng hoa trong trung tâm thành phố, sau lại được bán ra với cái giá cắt cổ.

Chợ hoa Bangkok là chợ hoa Hồ Thị Kỷ Sài Gòn x 6 lần

Một màu hồng phấn dễ thương chi đến lạ

Vàng rực một màu hoa tôn giáo ở góc nhỏ Bangkok

Đời sống thường nhật ở chợ hoa Bangkok



—–

Tôi đi dọc về lại phía Cung Điện Hoàng Gia, trên đường đi thì mua hai xâu thịt heo nướng lề đường ăn ngon kinh khủng, một bịch xoài chua lét và một bịch mận lạt thết. Đường phố trời này vắng vẻ, du khách cũng đã về hết nên tôi hoà mình trọn vẹn vào Bangkok lúc nào không hay.

Đến được Cung Điện Hoàng Gia thì mặt trời cũng dần lặn. Hoàng hôn phủ một màu cam rực rỡ trải dài và bao phủ cả Cung Điện. Tôi “hạ quyết tâm” là phải đi một vòng quanh Cung Điện to lớn, mặc kệ đôi giày bệt đen phản chủ, làm chân tôi sưng tấy lên. Mỏi, tôi dừng chân nghỉ một chập ở công viên gần đấy và ngắm người ta thả diều yên bình một chiều Chúa Nhật, rồi tôi cũng ra lại được bến tàu và đã hoàn thành một vòng quanh Cung Điện.

Hòang hôn Bangkok lẩn mình trong Cung điện Hòang gia

Một góc tàn ngày ở Bangkok

—–


Trời chuyển mình sang đêm xám xậm nhưng không u buồn. Tôi quyết định bắt thuyền trở vế bến cuối cùng và dạo chơi ở Asiatique.

Lần đầu tiên tôi đến đây.

Lần đầu tiên tôi được ngồi trên vòng xoay lớn, lên đến đỉnh cao để ngắm sông dòng sông mẹ Chao Phraya dài hút mắt, để ngắm một Bangkok lên đèn thật lộng lẫy, để nghe những âm thanh của khu trò chơi náo nhiệt trộn lẫn rồi mất hẳn vào sự tĩnh lặng của không trung. 

Thời gian trôi qua như một cái chớp mắt, tôi đã yêu trọn cuộc đời bằng tháng tháng, ngày ngày, năm năm.

 

Ăn kem ở Asiatique Bangkok cho hết buồn

Leo lên Asiatique’s Eye để nhìn Bangkok cho rõ


—–
.::Nat & her journeys::.
Bangkok, Thailand, March '15

(Nội dung bài viết được chia sẻ bởi Nat Nguyen. Vui lòng ghi rõ nguồn gốc By Nat Nguyen hoặc www.vivavivu.com khi chia sẻ bài viết)